Gặp khó trong khâu kiểm tra, giám sát thông quan
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Ngọc Huân – Cục trưởng Cục Hải quan Long An cho hay, hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay giao dịch với doanh nghiệp (DN) phải thực hiện từ xa. Đơn vị cũng phải triển khai kế hoạch làm việc từ xa, trong khi được giao quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chỉ đạo điều hành, triển khai hoạt động kiểm tra, thông quan đối với các lô hàng luồng vàng (kiểm tra hồ sơ và trực tiếp hàng hóa), luồng đỏ (kiểm tra trực tiếp hàng hóa) của DN. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn đã có ca nhiễm nên đơn vị chưa tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của DN, tạm ngừng các cuộc kiểm tra sau thông quan.
Trong khó khăn nêu trên, Hải quan Long An thường xuyên củng cố và kiện toàn các tổ tuyên truyền, tổ tư vấn hải quan – DN từ cấp cục đến chi cục qua đó kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN qua hệ thống điện tử, đường dây nóng, ưu tiên giải quyết kịp thời việc thông quan hàng hóa của DN phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, đơn vị đã đạt được kết quả vượt bậc về thông quan hàng hóa cho DN và thu ngân sách.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2021, đơn vị đã làm thủ tục cho 1.811 DN, tăng 14%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 10,6 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020; số thu ngân sách đạt 3.348 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ, đạt hơn 97% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao. Đặc biệt là địa bàn tỉnh Tiền Giang thu ngân sách tăng 81% do kim ngạch và số thuế tăng từ hai DN mới là Công ty CP năng lượng điện gió Tiền Giang, Công ty CP Điện gió Mê Kông…
Hải quan Bình Dương “vượt bão” Covid-19
Đề cập đến hoạt động của đơn vị trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ông Nguyễn Phước Việt Dũng – Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho hay, Bình Dương là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, vì vậy nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các ca bệnh trong công ty tại các khu công nghiệp được phát hiện ngày càng nhiều. Do đó, hiện một số DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” cũng tạm ngưng hoạt động do phát hiện nhiều ca bệnh trong lúc đang sản xuất.
Trong bối cảnh này, Hải quan Bình Dương đã thực hiện tối đa các giải pháp để duy trì hoạt động cũng như giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho DN bằng các biện pháp điện tử. Đơn vị tiếp tục bố trí cán bộ công chức, người lao động làm việc luân phiên tại nhà để hạn chế tối đa số lượng người tập trung trong công sở và phải đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không để ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu. Đơn vị yêu cầu cán bộ công chức tuân thủ nghiêm quy định “2 địa điểm 1 cung đường” khi đi làm hàng ngày. Đối với các chi cục hải quan như Sóng Thần, Việt Hương khi khu công nghiệp có xuất hiện F1 và F2, đơn vị đã thực hiện tốt các biện pháp cách ly để phòng, chống lây nhiễm chéo.
Ông Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết, hiện nay các đơn vị thuộc và trực thuộc cục hoạt động bình thường, đảm bảo triển khai hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch và duy trì thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài những DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” bị đình trệ hoạt động do có các ca F0, F1 thì hầu hết các DN sản xuất xuất khẩu tại Bình Dương vẫn hoạt động do có kế hoạch nhập khẩu hàng nguyên phụ liệu từ đầu năm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cũng chia sẻ, nhờ nỗ lực chủ động triển khai các biện pháp vừa chống dịch vừa tạo thuận lợi, đến nay số DN đến làm thủ tục tại đơn vị tăng 6,5% (6.281 DN), kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 39% (37.980 triệu USD) so với cùng kỳ. Qua đó, số thu của đơn vị đạt 12.306 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ, đạt gần 77% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.
Đảm bảo thông quan hàng hoá kể cả trong trường hợp xuất hiện F0, F1
Tổng cục Hải quan vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các cá nhân, doanh nghiệp, đảm bảo quản lý hải quan trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại đảm bảo công tác giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, góp phần đẩy lùi và hạn chế tối đa khả năng lây lan của dịch bệnh; tăng cường họp trực tuyến, làm việc từ xa để đảm bảo các hoạt động của đơn vị không bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Tại văn bản này, Tổng cục Hải quan cũng nhận định, để thực hiện “mục tiêu kép”, tại các đơn vị hải quan địa phương đã nỗ lực vừa chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo việc thông quan hàng hóa không bị gián đoạn, kể cả trong trường hợp xuất hiện F0, F1 trên địa bàn quản lý.
Nguồn: Thời báo Tài chính