Chi tiết xem tại đây
THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI CAMPUCHIA
_____________
BẢN TIN THỊ TRƯỜNG CAMPUCHIA
Từ ngày 01/7 đến ngày 31/7/2022
TIN CHUNG VỀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI CAMPUCHIA
Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) dự báo tăng trưởng GDP của Campuchia ở mức 5,3% vào năm 2022
Khmer Times (31/7): Theo NBC, sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu và hoạt động kinh tế sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Campuchia trong năm 2022. Đáng chú ý, tăng trưởng sẽ được hỗ trợ bởi các ngành may mặc, du lịch, nông nghiệp và xây dựng. NBC cho biết tăng trưởng kinh tế của CPC này sẽ ở mức 5,3% trong năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng ước tính 3% vào năm 2021. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ở mức vừa phải trong năm nay do việc kiểm soát tốt hơn đại dịch Covid-19, điều này đã mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch và đầu tư. Tuy nhiên, NBC cũng đánh giá xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ liên quan đến dầu mỏ. Đối với Campuchia, việc tiêm phòng cho 94% trong tổng số 16 triệu dân số đã thúc đẩy Chính phủ mở cửa nền kinh tế của đất nước, loại bỏ các biện pháp y tế đối với những du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ.
Campuchia đã xuất khẩu sản phẩm trị giá 11,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 4% lên 15,4 tỷ USD. NBC cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là lạm phát cao sau khi giá dầu tăng.
Các tuyến đường hàng không nối Campuchia với Trung Quốc đang được triển khai tích cực
The Phnom Penh Post (4/7): Số lượng các chuyến bay giữa Campuchia và Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên sáu chuyến bay/tuần sau khi Cục Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) gửi yêu cầu đến Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc vào cuối tháng 6/2022 (trong đó 02 chuyến bay từ Campuchia đi Trung Quốc và 04 chuyến bay từ Trung Quốc đến Campuchia). Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu về các chuyến bay giữa cả hai quốc gia tăng cao sau khi Campuchia chính thức mở cửa lại biên giới vào tháng 11/2021. Thời gian qua, nhu cầu khách Trung Quốc đến và dời Campuchia tăng lên, do đó cần phải tăng cường các chuyến bay trong thời gian tới. Hiện tại, có ba hãng hàng không đang triển khai đường bay và nhiều hãng hàng không dự kiến sẽ tham gia trong những tháng tới khi tình hình Covid-19 được cải thiện. Theo ông Thourn Sinan, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Châu Á Thái Bình Dương (PATA) dự đoán sẽ có thêm nhiều chuyến bay từ Trung Quốc đến Campuchia; cho rằng du khách Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng đối với sự phục hồi của ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trong hai năm qua. Vì vậy, việc có thêm các chuyến bay từ Trung Quốc sẽ giúp ngành du lịch của Campuchia sớm khôi phục trong thời gian tới.
Gói kích thích trị giá 665 triệu USD của Chính phủ Campuchia nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19
Khmer Time (30/7): Theo báo cáo “Tác động kinh tế xã hội của Chương trình hỗ trợ tiền Covid-19 ở Campuchia: Đánh giá ở cấp độ vi mô và vĩ mô”, các gói kích thích trị giá 665 triệu USD của Chính phủ Campuchia đã giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập hộ gia đình, tiêu dùng và tỷ lệ nghèo đói của đất nước. Theo đó, Chính phủ đã triển khai việc hỗ trợ tiền mặt lần đầu vào tháng 6/2020 cho 700.000 hộ gia đình chịu tác động nặng nề nhất do Covid-19, cùng với các biện pháp kích thích khác để chống lại các tác động của Covid-19 (năm 2020 là 300 triệu USD, năm 2021 là 365 triệu USD). Việc hỗ trợ tiền mặt đã được Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), và tổ chức Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH.
Campuchia thu hút 3 tỷ USD đầu tư trong nửa đầu năm 2022
Khmer Times (20/7): Campuchia đã thu hút khoản đầu tư vào tài sản cố định gần 3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, phản ánh niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của Campuchia. Theo Hội đồng Phát triển Campuchia – CDC, trong 6 tháng đầu năm 2022, CDC đã đăng ký 98 dự án với tổng vốn đầu tư 2,99 tỷ USD, tăng 29 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của CDC cho biết các dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 1,59 tỷ USD, chiếm 53,23% tổng vốn đầu tư, trong khi đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc đăng ký 1,29 tỷ USD, chiếm 43,02%. Các khoản đầu tư nước ngoài khác vào vương quốc này trong nửa đầu năm nay là từ Thái Lan, Samoa, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hàn Quốc, Singapore, Quần đảo Cayman, Malaysia, Nhật Bản và Úc. Các dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nông nghiệp, sản xuất, du lịch và cơ sở hạ tầng.
Ông Lim Heng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, cho biết sự gia tăng cả về dự án đầu tư và tổng số vốn phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ Campuchia sau khi Campuchia nối lại các hoạt động kinh tế xã hội; khẳng định sự tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư là do sự ổn định, hòa bình và an sinh xã hội, đặc biệt là việc kiểm soát Covid-19 thành công với tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao. Ông cũng cho rằng các ưu đãi thương mại mới theo các FTA mà chính phủ đã lên kế hoạch thiết lập với các nước đối tác sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa trong việc thu hút đầu tư mới và xuất khẩu các sản phẩm do Campuchia sản xuất sang các thị trường rộng lớn hơn.
Campuchia, Thái Lan ký Bản ghi nhờ (MOU) về logistics
AKP (22/7): Campuchia và Thái Lan đã đạt được Biên bản Ghi nhớ (MoU) về Logistics nhằm thiết lập một khuôn khổ hợp tác trên tinh thần hiểu biết và thiện chí lẫn nhau và tăng cường mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ hơn giữa hai nước trong lĩnh vực logistics. Buổi ký kết có sự tham dự của Koy Sodany, Quốc vụ khanh Bộ Giao thông Công chính (MPWT) Campuchia, và Danucha Pichayanan, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan.
Hai bên đã thảo luận và chia sẻ với nhau về việc chuẩn bị và thực hiện chính sách phát triển ngành logistics, trong đó có việc đưa ra chính sách phát triển hạ tầng giao thông vận tải và logistics là lĩnh vực ưu tiên và cần thiết nhất cho phát triển kinh tế – xã hội.
Sodany thông báo với phía Thái Lan về sự quan tâm và nỗ lực của MPWT trong việc soạn thảo Quy hoạch tổng thể về kết nối vận tải đa năng và hậu cần ở Campuchia, bao gồm các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm như dự án đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, đường thủy, hàng hải. phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ, cảng, sân bay và hậu cần cần khoảng 50 tỷ USD cho giai đoạn 10 năm tới.
Siem Reap được chọn là một trong 25 thành phố du lịch tốt nhất thế giới
AKP (19/7): Theo khảo sát mới nhất của Tourist + Leisure: Siem Reap (nơi có những ngôi đền Angkor nổi tiếng), đã được xếp hạng 15/25 Thành phố Du lịch Tốt nhất Thế giới với số điểm là 89,66.
Đứng đầu danh sách là Oaxaca của Mexico với số điểm 92,96, và đứng thứ 25 là Ljubljana của Slovenia với 88,49 điểm.
Các thành phố châu Á khác được liệt kê bao gồm Ubud của Indonesia đứng ở vị trí thứ 3; Chiang Mai và Bangkok của Thái Lan lần lượt đứng thứ 7 và 24; Jaipur và Udaipur của Ấn Độ lần lượt đứng thứ 8 và 10; Osaka và Tokyo của Nhật Bản lần lượt đứng thứ 9 và 12; Kyoto của Nhật Bản đứng thứ 14; Seoul của Hàn Quốc đứng thứ 16; Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, thứ 17; Muscat của Oman đứng thứ 19; và Hội An của Việt Nam đứng thứ 20.
Triển lãm Hàng hóa Xuất nhập khẩu và Campuchia lần thứ 15 sẽ được tổ chức vào tháng 12/2022
AKP (18/7): Theo thông báo của Bộ Thương mại, Triển lãm Hàng hóa Xuất nhập khẩu và Campuchia lần thứ 15 sẽ được tổ chức từ ngày 15 – 18/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Koh Pich, Phnom Penh. Trong thời gian diễn ra triển lãm, Bộ Thương mại sẽ tổ chức các sự kiện bên lề như Hội thảo Xúc tiến Thương mại, Diễn đàn Doanh nghiệp và Đầu tư, Hợp tác kinh doanh và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân. Triển lãm nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư sau khi bị đình chỉ một thời gian do Covid-19, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ góp phần phát triển nền kinh tế của Campuchia.
Triển lãm trên sẽ là cơ hội mới để liên kết kinh doanh giữa các tỉnh – thành trên toàn lãnh thổ Campuchia cũng như giữa các doanh nghiệp Campuchia với nước ngoài.
Campuchia thu 3,26 tỷ USD doanh thu thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng 22%
The Phnom Penh Post (21/7): Campuchia đã thu được 3,26 tỷ USD từ tất cả các nguồn thuế trong nửa đầu năm 2022, tăng 22% so với 2,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Campuchia có hai cơ quan chịu trách nhiệm thu thuế là Tổng cục Thuế -GDT (tập trung vào các loại thuế như thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng và thuế tài sản) và Tổng cục Hải quan và Thuế suất (GDCE) thu thuế về hàng hóa xuất nhập cảnh. Tổng cục trưởng GDT Kong Vibol cho biết rằng GDT đã thu được 1,97 tỷ USD doanh thu thuế trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 69,89% mục tiêu cho năm 2022). Trong khi đó, Tổng Cục trưởng GDCE Kun Nhim cho biết GDCE đã thu được 1,29 tỷ USD doanh thu từ thuế quan và tiêu thụ đặc biệt trong nửa đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, (đạt được 50 % mục tiêu cho năm nay). Ông cho biết doanh thu từ hải quan và tiêu thụ đặc biệt đã phục hồi sau khi chính phủ mở cửa trở lại đất nước trên tất cả các lĩnh vực kể từ tháng 11/2021, sau khi hầu hết dân số đã được tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19.
THÔNG TIN CHÍNH SÁCH
Campuchia kiểm tra mì Việt Nam chứa hóa chất cấm sau cảnh báo của Liên Minh châu Âu-EU
Khmer Times (27/7): Sau khi Liên minh châu Âu phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa ethylene oxide (chất cấm sử dụng trong thực phẩm), các cơ quan Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này. Theo ông Phan Oun, thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR), động thái này diễn ra sau khi một số nước EU cấm một số loại mì Việt Nam.
Được biết, Đức đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm mì ăn liền hương gà do Asiafoods Corporation sản xuất vì chúng chứa hàm lượng ethylene oxide cao hơn tiêu chuẩn của EU. Ông Phan Oun cho biết nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi; đồng thời cho biết thêm Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo với Hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất ethylene oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.
Các biện pháp thuế hỗ trợ phục hồi du lịch
Khmer Times (18/7): Theo Bộ Tài chính Campuchia, Chính phủ đang thực hiện nhiều sáng kiến về thuế hơn để hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch bên cạnh các biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 và giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong nước. Hiện nay, Chính phủ đã làm việc với khu vực tư nhân và các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị và đưa ra các biện pháp phù hợp hơn cho lĩnh vực du lịch, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc miễn thanh toán cho tất cả các loại các loại thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuyên bố miễn trừ áp dụng cho các khách sạn, nhà nghỉ và đại lý du lịch đã đăng ký với Tổng cục Thuế và có hoạt động kinh doanh tại Phnom Penh, Siem Reap và Preah Sihanouk từ tháng 7- 9/2022. Ngoài ra, chính phủ sẽ tạm ngừng thu số nợ thuế kể từ năm 2019 và sẽ không phạt các doanh nghiệp du lịch vào năm 2022, nhưng khuyến khích họ thiết lập các chương trình phát triển kỹ năng cho nhân viên và kèm theo các yêu cầu khác trong trường hợp cần thiết. Bộ trưởng Du lịch Thong Khon cho biết tại một sự kiện rằng Campuchia dự kiến sẽ thu hút khoảng một triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2022 và lên đến hai triệu vào năm 2023.
Campuchia thúc đẩy chính sách thương mại
Khmer Times (27/7): Bộ Thương mại đã thiết lập chính sách thương mại cho năm 2023 dựa trên việc triển khai giai đoạn 4 của Chiến lược Tứ giác phát triển bằng cách chuẩn bị các chiến lược hội nhập thương mại mới nhất. Phát biểu tại cuộc họp báo về “5 năm thành tựu của Bộ Thương mại”, Phó Quốc vụ khanh Bộ Thương mại kiêm phát ngôn viên Penn Sovicheat cho biết, bằng cách xây dựng các kỹ năng kinh doanh và thúc đẩy các nữ doanh nhân, doanh nghiệp của Campuchia đã sánh ngang với các đối tác ASEAN cũng như các đối tác khác trên thế giới. Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh việc xây dựng hàng hóa Campuchia được quốc tế công nhận theo hướng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại ở nước ngoài đã được thành lập để nghiên cứu nhu cầu thị trường và đáp ứng kịp thời, chính xác để đảm bảo hàng hóa Campuchia đáp ứng nhu cầu trên thị trường quốc tế với giá cả cạnh tranh của các nước khác.
Để phát triển thị trường, Bộ Thương mại đã thành lập 12 trung tâm thương mại tư nhân Campuchia ở nước ngoài và hoàn thành việc xây dựng chợ và bàn giao chợ mô hình biên giới Campuchia cho Chính quyền tỉnh Tbong Khmum và Sở Thương mại tỉnh Tbong Khmum. Đồng thời chuẩn bị xây dựng chợ kiểu mẫu ở biên giới ở các tỉnh Kampot và Svay Rieng.
Trong thời gian tới, Campuchia sẽ tiếp tục hội nhập thương mại vào khu vực và thế giới thông qua việc xây dựng các chính sách thương mại mới phù hợp với điều kiện thị trường khu vực và toàn cầu. Đồng thời, cũng phát triển các chiến lược đàm phán thị trường mới, cũng như cố gắng tối đa hóa lợi ích của các hiệp định thương mại và các ưu đãi, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do do song phương với các nước đối tác. Campuchia cũng sẵn sàng ra khỏi tình trạng Nước kém phát triển (LDC) bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm bằng cách thúc đẩy tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường.
Thêm vào đó, Campuchia tham gia thúc đẩy năng suất sản xuất bằng cách giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất để đảm bảo nguồn cung bền vững thông qua việc cải tiến liên tục các tiêu chuẩn chất lượng và tuân thủ kỹ thuật. Bộ Thương mại cũng tham gia thực hiện chính sách kinh tế số thông qua việc khuyến khích thương mại điện tử bằng cách thiết lập các liên kết giữa các thị trường lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
CRBC tiến hành nghiên cứu dự án đường cao tốc Phnom Penh-Bavet
Khmer Times (25/7): Chính phủ Campuchia đã quyết định tịch thu quyền thực hiện nghiên cứu khả thi dự án Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet từ Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Đường sắt Trung Quốc (CRIG). Mặt khác, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) được ủy quyền thay thế CRIG để tiến hành nghiên cứu.
Nguyên nhân do CRIG không hoàn thành nghiên cứu khả thi sau ba năm với lý do thiếu kỹ thuật viên cho nghiên cứu mặc dù Chính phủ đã cho phép gia hạn thêm ba tháng để hoàn thành nghiên cứu (tháng 4/2022).
Kong Vimean, người phát ngôn của PMWTcho biết CRBC đã được chọn để thực hiện nghiên cứu vì công ty Trung Quốc đã thực hiện thành công Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville trị giá 2 tỷ USD. Sau khi nghiên cứu thành công, chính phủ sẽ thương lượng chi phí và các điểm quan trọng khác với CRBC trước khi ký kết thoả thuận tiếp theo.
Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet dự kiến sẽ được kết nối với đường cao tốc của Việt Nam trong quy hoạch tổng thể kết nối của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Nghiên cứu ban đầu cho thấy chiều dài của dự án khoảng 135 km từ Phnom Penh và kéo dài từ các tỉnh Kandal, Prey Veng và Svay Rieng đến Biên giới Quốc tế Bavet. Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), dự án cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện hoạt động hậu cần trong khu vực từ Phnom Penh đến Bavet, nơi kết nối thành phố Phnom Penh và biên giới Việt Nam, qua đó góp phần phát triển kinh tế của Campuchia và Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Nhà máy lốp xe trị giá hơn 300 triệu đô được lên kế hoạch ở Sihanoukville SEZ
AKP (15/7): Một công ty Trung Quốc có kế hoạch đầu tư hơn 300 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe lớn nhất tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ) ở tỉnh Preah Sihanouk vào năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tại SSEZ đạt gần 1,4 tỷ USD.
SSEZ hiện có 170 nhà máy từ Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á; và đã tạo ra khoảng 30.000 việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, Chính phủ Campuchia đang ủng hộ kế hoạch đầu tư của công ty, nhấn mạnh rằng nó sẽ không chỉ khuyến khích nông dân Campuchia trồng cao su mà còn giúp tăng việc làm cho người dân địa phương.
Sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Preah Sihanouk, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng bao gồm cả đường cao tốc gần hoàn thành, đóng vai trò cốt lõi cho sự tăng trưởng của tỉnh này nhờ sự đóng góp từ Trung Quốc.
THÔNG TIN CÁC NGÀNH HÀNG
Xuất khẩu nông sản của Campuchia sang Trung Quốc đạt 2,4 triệu tấn
Khmer Times (21/7): Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia: Thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với những thách thức trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ và tạo ra nhiều cơ hội, nhất là mở rộng phạm vi xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế. Các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm gạo, sắn, xoài tươi và hạt điều.
Từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu hơn 2,4 triệu tấn nông sản trị giá 1,9 tỷ USD sang thị trường Trung Quốc. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết, trong nửa đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu hơn 160.000 tấn gạo sang Trung Quốc, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, chiếm hơn 50% tổng lượng gạo xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022. Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Veng Sakhon cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã mang lại lợi ích to lớn cho ngành nông nghiệp Campuchia; giúp tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc thành lập các khu vực chế biến nông sản và quảng bá công nghệ nông nghiệp Campuchia thông qua hợp tác song phương giữa Campuchia và Trung Quốc. Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt Campuchia cho thấy, trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc đạt 6 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, Campuchia đã thu hút khoản đầu tư tài sản cố định trị giá 1,29 tỷ USD từ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022. Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại Campuchia, chiếm 43% tổng vốn đầu tư 2,99 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.
Campuchia xuất khẩu sắn tăng 40% trong 6 tháng đầu năm
AKP (20/7): Theo Tổng cục Nông nghiệp, Bộ Nông – Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, trong nửa đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 2,3 triệu sản phẩm sắn, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Gia tăng xuất khẩu sắn khô đạt 1,5 triệu USD, tăng 24,25%, trong đó 1,1 triệu tấn đã được xuất khẩu sang Thái Lan và 400.000 tấn được xuất khẩu sang Việt Nam. Xuất khẩu sắn tươi có mức tăng lớn hơn, khoảng 97,97%, tương ứng với 710.000 tấn xuất khẩu, trong đó 470.000 tấn được xuất khẩu sang Việt Nam và 230.000 tấn sang Thái Lan.
Xuất khẩu bột sắn tăng mạnh 200% với số lượng là 480.000 tấn bột sắn. Thị trường tiêu thụ bột sắn lớn nhất là Trung Quốc: 470.000 tấn bột sắn, tiếp theo là Mỹ: 600 tấn. Phế liệu sắn đạt 7.000 tấn, tăng 63,81% trong đó 6.500 tấn được xuất khẩu sang Trung Quốc và 500 tấn còn lại được xuất khẩu sang Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm sắn tươi từ Campuchia là Việt Nam và Thái Lan, trong khi Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Malaysia và Ý là thị trường chính của bột sắn.
Xuất khẩu cao su trong 6 tháng đầu năm của Campuchia đạt 215 triệu USD
AKP (15/7): Campuchia đã xuất khẩu 135.137 tấn cao su trong nửa đầu năm 2022, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt doanh thu 215 triệu USD, tăng 2,9%. Theo báo cáo của Tổng cục Cao su, giá trung bình là 1.597 USD / tấn đối với cao su khô trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2022. Campuchia xuất khẩu hàng hóa này chủ yếu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Đến nay Campuchia đã trồng cây cao su trên tổng diện tích 404.044 ha, trong đó 310.193 ha, tương đương 77%, đủ tuổi khai thác, cạo mủ
Campuchia đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn đến hết năm 2022
Khmer Times (20/7): Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết, có đủ nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng nội địa đến cuối năm 2022, theo đó Campuchia không cần nhập khẩu lợn từ các nước láng giềng. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ đã thúc đẩy chăn nuôi địa phương để cung cấp nhu cầu trong nước và giảm nhập khẩu. Việc nhập khẩu chính thức lợn sống đã bị dừng lại, nhưng việc nhập khẩu bất hợp pháp vẫn còn đang xảy ra.
Trong nỗ lực ngăn chặn nhập khẩu bất hợp pháp, Bộ Nông – Lâm và Ngư nghiệp đã phối hợp với các cơ quan liên quan để truy quét 16 trường hợp nhập khẩu lợn sống bất hợp pháp. Trong đó, trường hợp gần nhất đã có khoảng 80 con lợn nhập khẩu bất hợp pháp từ Việt Nam vào Campuchia qua tỉnh Prey Veng đã bị tiêu hủy sau khi phát hiện bị nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi khi được kiểm dịch.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Campuchia (CLRA) Srun Pov cho biết nguồn cung lợn hiện tại không những không đủ mà còn đang đối mặt với tình trạng dư thừa, gây áp lực giảm nhẹ đối với giá lợn hơi. Ông cho rằng vì giá lợn hơi ở các nước láng giềng đắt hơn giá lợn Campuchia nên việc nhập khẩu chúng vào Vương quốc này là không hợp lý. Ngoài ra, vấn đề giá heo giảm xảy ra vào mùa mưa do giá heo rẻ hơn so với cá do nguồn cung thủy sản bị dồn vào mùa mưa khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo thấp. Tuy nhiên, giá lợn hơi dự kiến sẽ trở lại bình thường vào giữa tháng 8/2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia