Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, NN&PTNT, Công an, Công Thương sớm hoàn thành 10% nhiệm vụ còn lại được giao tại Quyết định 1258/QĐ-TTg – Ảnh VGP/Hải Minh
Tập trung hoàn thành việc xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải “sớm nhất có thể”.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban diễn ra chiều 5/8.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan Thường trực của Ủy ban, tính đến ngày 30/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối hơn 55.000 doanh nghiệp thực hiện 249/261 thủ tục của 13 bộ, ngành với gần 4,95 triệu hồ sơ.
Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; chuẩn bị thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật, thảo luận giải pháp lộ trình trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Với các đối tác ngoài ASEAN, đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm với Liên minh kinh tế Á-Âu; đàm phán Nghị định thư trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử với Hàn Quốc; triển khai Thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại Việt Nam-New Zealand.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ doanh nghiệp, các tổ chức trong, ngoài nước; đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân.
Đối với vấn đề kiểm tra chuyên ngành, đã ban hành 51/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS, chiếm 85% kế hoạch; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng.
Về phát triển thị trường logistics, theo Bộ Công Thương, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Ngành logistics có đóng góp quan trọng trong việc giữa mức kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam tăng 17,4% trong giai đoạn 2017-2021, từ mức 1,38 tỷ tấn năm 2017 lên 1,63 tỷ tấn năm 2021.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 đánh giá chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam xếp thứ 39/160 nước và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên thứ 3 trong các nước ASEAN.
Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở nhóm đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy một đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, đơn vị là thành viên của Ủy ban 1899 trong việc thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành tích cực triển khai được 90% các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 với tinh thần tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, NN&PTNT, Công an, Công Thương sớm hoàn thành 10% nhiệm vụ còn lại được giao tại Quyết định trên; Bộ Công Thương chủ động rà soát, bố trí nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về logistics.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là phải hoàn thành việc xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải “sớm nhất có thể” làm cơ sở để tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là việc xây dựng danh mục thông tin bộ, ngành cung cấp, chia sẻ qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để rút các thủ tục hành chính phát sinh ít hồ sơ đăng ký hoặc không phát sinh hồ sơ đăng ký để rút các thủ tục này khỏi Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm kinh phí duy trì./.
Theo Chinhphu.vn