Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị. Ảnh: Trung Ân
Thời gian qua, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất đã cải tiến bao bì, mẫu mã, bộ nhận diện thương hiệu để góp phần nâng cao giá trị của hàng Việt.
Cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm
Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Mười Quý (Công ty Mười Quý) đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm và cải tiến mẫu mã hộp, logo. Mẫu mã hộp, logo có kiểu dáng đẹp, hình ảnh, kiểu chữ trình bày ấn tượng. Trên bao bì cung cấp nhiều thông tin như hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần nguyên liệu đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm. Ấn tượng của logo sản phẩm Công ty Mười Quý là hình ảnh người dân gánh cá từ biển về để muối mắm, thể hiện tâm huyết để cho ra thành phẩm cuối cùng là nguồn tinh cốt nước mắm với độ đạm tự nhiên, hợp khẩu vị của người tiêu dùng.
Giám đốc Công ty Mười Quý Đào Trọng Mười cho biết, công ty đã 2 lần thay đổi logo. Ngoài đầu tư về chất lượng sản phẩm, việc chú trọng nhãn hiệu, bao bì, mẫu mã đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, nhãn hiệu, bao bì không chỉ là hình ảnh nhận diện thương hiệu mà còn là phương tiện để doanh nghiệp (DN) giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thôi thúc DN sản xuất hàng Việt chất lượng cao, hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh. Vì thế, nhiều DN đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng hàng hóa và cải tiến bao bì, mẫu mã. Bao bì, nhãn hiệu thể hiện rõ đặc tính, tạo cảm xúc cho người tiêu dùng và truyền thông điệp về nét văn hoá đặc trưng của vùng miền.
Tại hệ thống siêu thị cũng như chợ truyền thống, các thương hiệu thực phẩm sản xuất trong nước như bánh kẹo Bibica, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên… luôn cải tiến bao bì, mẫu mã. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, sản phẩm bánh kẹo có xuất xứ Việt Nam đã trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Hay như nhãn hàng thời trang Biti’s, thời gian qua đã cho ra đời các bộ sưu tập với những câu chuyện cổ tích như Tấm Cám, con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng… Thông qua đó, Biti’s tái hiện các nhân vật cổ tích một cách sống động bằng thiết kế và màu sắc mới mẻ. Thiếu nhi rất yêu thích và đón nhận các sản phẩm này.
Nỗ lực từ doanh nghiệp
“Hàng Việt Nam chất lượng cao” là một định hướng để các đơn vị sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Sản phẩm nước mắm Mười Quý thiết kế nhãn hiệu mang nét riêng của người dân miền biển tạo ấn tượng với khách hàng. Ảnh: Trung Ân
Là một khách hàng thường xuyên chọn mua các sản phẩm hàng Việt như sữa, bánh kẹo, thời trang… chị Huỳnh Minh Nguyệt, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, điểm mạnh của các sản phẩm Việt là gần gũi với gia đình Việt. Tiêu chí của tôi khi lựa chọn sản phẩm là sản phẩm chất lượng, bao bì sang trọng, kèm theo đó là các cam kết về tiêu chuẩn, chất lượng thể hiện rõ trên nhãn sản phẩm. Đặc biệt, tôi thường chọn mua các sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, thay cho việc sử dụng chai nhựa, bao ni lông.
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng cho biết, thời gian gần đây, các DN trong tỉnh, nhất là nhóm DN khởi nghiệp ngày càng quan tâm và có nhiều đột phá trong việc thiết kế nhãn hiệu, bao bì. Giai đoạn đầu, bao bì của một số sản phẩm khởi nghiệp khá đơn điệu, ít thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau nhiều năm cọ xát với thị trường thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước do Sở Công thương tổ chức, các DN bắt đầu quan tâm, chú trọng hơn đến việc cải tiến mẫu mã bao bì cho sản phẩm.
Cụ thể, nhiều sản phẩm của DN khởi nghiệp như bò khô Thu Ba, nước mắm Mười Quý, mật ong sạch Na Ni… sau khi cải tiến bao bì, mẫu mã đã vào được các kênh phân phối lớn và hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. “Việc cải thiện thiết kế bao bì theo cách chuyên nghiệp, gây ấn tượng với người tiêu dùng ở mỗi ngành hàng sẽ trực tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần gia tăng sự hiện diện, củng cố vị thế thương hiệu của hàng Việt trên thị trường”, ông Kiều Văn Dũng nhấn mạnh.
Báo Quảng Ngãi