Làm giàu từ sọ dừa
Từ bỏ vị trí giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại ở quận 1, TPHCM sau 16 năm gắn bó, chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng trở về quê nhà ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú gom nhặt, thu mua từng gáo dừa để đốt, nén thành than, bán trên thị trường quốc tế. Thiết bị công nghệ, vật tư phục vụ cho nghề đốt than gần như không có trên thị trường, lao động chỉ là phổ thông, không được đào tạo bài bản như những ngành nghề khác. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm thành lập Công ty TNHH XNK Cao nguyên Bình Phước, sản phẩm than gáo dừa mang thương hiệu Tcha Tchello và Highland của công ty đã xuất sang thị trường các nước Trung Đông, Australia, Bỉ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Công suất sản xuất của nhà máy đạt đến 200 tấn thành phẩm/tháng, tương đương 800 tấn gáo dừa, một phụ phẩm thường bỏ đi trong sản xuất nông nghiệp.
Chị Hằng kể, công việc hàng ngày của chị chỉ thầm lặng, đơn giản là gom những miếng gáo dừa để nghiền đốt thành than rồi bán ra nước ngoài, nghề được ví như “Lọ Lem” nhưng đó là niềm vui, là niềm tự hào của chị. Không chỉ đem rác thải đổi lấy ngoại tệ, “càng tự hào hơn khi trên mỗi bao bì, nhãn mác của sản phẩm, ngoài thông tin nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn in lá cờ của Tổ quốc Việt Nam gửi đến khách hàng, người tiêu dùng trên thế giới, góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ quốc tế”, chị Hằng chia sẻ.
Nước mắt và nụ cười Vinahe
Khi tham gia khóa học quản trị doanh nghiệp, anh Nguyễn Hoàng Đạt mới biết Bình Phước được mệnh danh là xứ sở của hạt điều. Công ty của gia đình là một doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu hạt điều nhưng không có sản phẩm nào để khách hàng nhận diện, biết đến. “Mình trăn trở vì danh nghĩa là công ty xuất khẩu hạt điều nhưng không có sản phẩm nào giới thiệu cho mọi người thưởng thức. Nguyên do, công ty sơ chế sản phẩm và xuất khẩu đến hàng loạt nước ở châu Âu, nhưng chỉ là đơn vị gia công nên khách hàng không ai biết đến mình”, anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, mở đầu câu chuyện.
Sau đó, tham dự buổi thuyết trình của một doanh nhân người Italy biểu diễn nghệ thuật ướp tẩm, rang, chiên hạt điều, anh Đạt vỡ òa vui sướng vì nhìn ra hướng đi của mình bấy lâu ấp ủ. Tìm mọi cách để được chuyển giao quy trình chế biến của doanh nhân người Italy, anh Đạt xây dựng quy trình chế biến theo cách riêng của mình. Đầu năm 2019, anh đầu tư 5 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Vinahe với dây chuyền chế biến sâu các sản phẩm từ hạt điều như điều rang muối, điều tỏi ớt, điều chanh muối, điều Yum Thái, điều phô mai và bánh cashewpie mang thương hiệu Vinahe – vì sức khỏe Việt Nam. Cứ ngỡ làm được sản phẩm tốt mang ra siêu thị, đại lý bán là xong, không ngờ sản phẩm không tiêu thụ được. Năm đó, đầu tư cả tỷ đồng thu mua hạt điều chế biến, cuối năm tổng doanh thu được… 10 triệu đồng. “Tôi nhìn xe chở sản phẩm về chế biến thức ăn gia súc mà nước mắt cứ rơi”, anh Đạt nhớ lại.
Năm 2020, Vinahe chủ trương đưa sản phẩm quảng bá trên các kênh thương mại điện tử, tham gia giới thiệu ở các hội chợ triển lãm – xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên phương tiện truyền thông. Từ giữa năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu nông sản gần như đóng băng nhưng các sản phẩm hạt điều chế biến sâu của Vinahe vẫn được thị trường trong nước đón nhận. Riêng năm 2021, doanh thu các sản phẩm hạt điều chế biến của Vinahe từ thị trường trong nước đạt trên 3 tỷ đồng, đủ bù đắp cho nhân công không phải mất việc vì dịch bệnh. Cái được lớn nhất của công ty là các dòng sản phẩm mang thương hiệu Vinahe đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Ngay thị trường khó tính như Nhật Bản cũng đã ký thỏa thuận tiêu thụ các sản phẩm hạt điều Vinahe với 10 tấn/tháng trong năm 2022.
Tạo cà phê hương vị Bình Phước
Từ một công nhân ngành điện, năm 2014, anh Lê Hoàng Công chuyển sang thành lập Công ty TNHH MTV Công Phát chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê với thương hiệu cà phê Công – Bình Phước. Nói đến cà phê, ít ai nghĩ đến Bình Phước mà nghĩ đến vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió như Đắk Lắk, Gia Lai hay Lâm Đồng thơm nồng. Biết là khó khăn khi thị trường có sẵn cả trăm sản phẩm cà phê với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau. Thế nhưng, anh Công vẫn chọn hạt cà phê trên đất Bình Phước để khởi nghiệp. Trong 3 năm đầu rang xay kinh doanh cà phê, anh không thu được đồng nào lợi nhuận, chỉ biết mời khách thử cà phê với tâm niệm “có người chấp nhận nâng ly cà phê của mình đã thấy vui rồi”.
Một lần tham gia hội chợ triển lãm, gian hàng của Bình Phước không ai ghé đến trong khi đối diện là gian hàng của người Thái khách tấp nập. Công thuyết phục được vài khách hàng nếm thử sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước. Họ ngỡ ngàng khi nhận định chất lượng sản phẩm có hương thơm khác biệt đầy quyến rũ. Họ bảo: “Anh có thể cải tiến bao bì, nhãn mác của mình bắt mắt hơn không?”. Từ đó, anh Công âm thầm xây dựng thương hiệu cà phê Công – Bình Phước bằng sự pha trộn hạt cà phê mang đậm vị đắng của vùng đất Đắk Lắk, độ ngọt của cà phê Bình Phước với hương thơm của hạt cà phê ở xứ sở Cầu Đất, Lâm Đồng. Sự kết tinh của hạt cà phê từ những vùng đất khác nhau đã tạo nên hương vị rất khác biệt, vừa gần gũi, vừa thân quen mang tính đặc trưng riêng của cà phê Công – Bình Phước.
Theo SGGP