Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc ngày giao dịch hôm qua, 4/7, chỉ số hàng hóa MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 2.678 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 1.700 tỷ đồng do các mặt hàng nông sản trên Sở Chicago và nguyên liệu công nghiệp trên Sở ICE đóng cửa nghỉ Lễ Độc lập. Tuy nhiên, thị trường năng lượng và kim loại vẫn diễn biến rất sôi động với những mức biến động lớn của nhiều mặt hàng quan trọng.
Dầu thô nối dài đà tăng trước bài toán về nguồn cung
Dầu thô tiếp tục duy trì được sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần với hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 tăng 1,97% lên 110,57 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 đóng cửa cao hơn 1,68% ở mức 113,50 USD/thùng.
Sức mua tiếp tục áp đảo trên thị trường trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung tiếp tục lấn át nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Một cuộc khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho biết, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục không đáp ứng được hạn ngạch sản xuất đã đề ra trong tháng 6. Số liệu này cũng đã phản ánh các tác động của việc sản lượng Lybia có nguy cơ sụt giảm hơn 50% so mức trung bình 865.000 thùng/ngày, do ảnh hưởng của các bất ổn chính trị. Ngoài ra, một số nước xuất khẩu khác như Na Uy hay Ecuador cũng đang phải đối mặt với vấn đề sản lượng sụt giảm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây đã lên tiếng kêu gọi Arab Saudi, quốc gia lãnh đạo liên minh OPEC và các đối tác (OPEC+), tăng cường sản xuất thêm dầu để giúp người dân đối phó với chi phí sinh hoạt cao hơn. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lên kế hoạch cho một chuyến công du đến Trung Đông trong tháng này nhằm tìm cách hạ nhiệt giá dầu.
Bên cạnh các tin tức về sản lượng dầu thô, giá dầu còn được hỗ trợ rất nhiều bởi tình hình nguồn cung các sản phẩm lọc dầu cũng đang rất eo hẹp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cùng với các lệnh cấm vận đối với Nga mà năng lực lọc dầu của các nước lớn như Mỹ khó có thể bù đắp sự gia tăng trong nhu cầu, nhất là vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm như hiện nay. Giá xăng ở Anh mới đây đã đạt mức cao kỷ lục là 2,3 USD/lít, và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đã nghiêm trọng của người dân.
Nhìn chung, giá dầu vẫn đang ở trong một giai đoạn hồi phục, tuy nhiên đà tăng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi trong phiên hôm qua, các nhà giao dịch ở Mỹ nghỉ Lễ Quốc Khánh, nên thị trường chịu ảnh hưởng bởi ít tin tức hơn so bình thường.
Mối quan tâm chính của các nhà đầu tư trong tháng 7 sẽ là quá trình các nước châu Âu và khu vực Bắc Mỹ thiết lập giá trần với dầu của Nga, cũng như các cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Thị trường kim loại diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, thị trường kim loại có sự phân hóa giữa 2 nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Giá vàng suy yếu nhẹ ở mức 0,06% xuống còn 1809,12 USD/ounce. Trong khi đó, cả bạc và bạch kim đều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng lần lượt là 1,44% lên 19,95 USD/ounce và 0,64% lên 876,9 USD/ounce. Tuy nhiên, cả bạc và bạch kim đều đang ở mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Giá cả đang không ngừng leo thang tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 tại Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực đáng kể nào. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục phục hồi trong phiên hôm qua trước lo ngại nguồn cung thắt chặt khi các nước xuất khẩu lớn ngoài Nga đang phải đối mặt với sản lượng sụt giảm. Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát vẫn ở mức cao và do đó, thúc đẩy vai trò trú ẩn an toàn của bạc và bạch kim trong phiên, hỗ trợ cho giá phục hồi sau những áp lực bán mạnh vào các phiên trước đó.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, tâm lý các nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn về đà phục hồi bền vững đối với các hoạt động sản xuất, cung ứng tại Trung Quốc. Điều này khiến đồng COMEX đóng cửa với mức giảm 0,67% xuống còn 3,58 USD/pound. Bên cạnh đó, theo Reuters, tổng sản lượng đồng của Chile đã giảm 2,55% trong tháng 5, đạt 478.800 tấn trong bối cảnh lo ngại suy thoái toàn cầu, cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn đang ở mức yếu. Dữ liệu từ vệ tinh giám sát các nhà máy chế biến kim loại cho thấy hoạt động luyện đồng toàn cầu có xu hướng giảm. Chỉ số phân tán đồng toàn cầu, thước đo hoạt động của nhà máy luyện đã giảm xuống mức 46,7 vào tháng 6 từ mức 49,4 vào tháng trước đó. Trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng, giá đồng tiếp tục chịu sức ép do nhu cầu cho sản xuất và tiêu thụ cuối cùng sụt giảm.
Quặng sắt đã có phiên lao dốc hơn 5% xuống mức 108,73 USD/tấn. Bên cạnh sức ép từ yếu tố dịch bệnh mới, nhà cung cấp thông tin kim loại tại Trung Quốc (SMM) cho biết, tính đến ngày 1/7, tồn kho sắt tại cảng đã tăng 650.000 tấn so tuần trước. Trong khi đó, hạn hán ở miền bắc và lũ lụt ở miền nam Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ sắt thép vốn đang tiêu cực. Các lô hàng từ Australia và Brazil có xu hướng tăng trưởng trong tương lai trong khi sức tiêu thụ yếu đã gây áp lực lên giá quặng sắt. Bên cạnh đó, việc cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thép sẽ có xu hướng mở rộng trong tháng 7 so tháng 6 nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại do biên lợi nhuận thấp sẽ làm giảm nhu cầu quặng sắt luyện thép.
Trên thị trường nội địa, giá thép hôm nay vẫn giữ nguyên sau điều chỉnh vào ngày 27/6. Theo đó, tại khu vực miền bắc, giá thép nhìn chung điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá 2 loại này còn 16,5 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
Theo Nhandan