VCB Digibank: Chuyển đổi số hướng đến khách hàng
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh, 130 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số).
VCB xác định số hóa là then chốt
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 19/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025: 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%…
Việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không nằm ngoài quy luật của việc phát triển thị trường trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và điều này phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Vietcombank xác định chuyển đổi số là một đột phá chiến lược và đang triển khai với quyết tâm cao một chương trình hành động chuyển đổi số tổng thể và toàn diện nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong top các ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025.
Từ rất sớm, Vietcombank luôn xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh và là ngân hàng tiên phong trong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng, bắt đầu với phiên bản Internet Banking đầu tiên cho khách hàng cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức vào năm 2001.
Đến nay, các dịch vụ số của Vietcombank ngày càng được nâng cấp, đa dạng hóa. Đặc biệt, việc ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank hoàn toàn mới vào tháng 7/2020 là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chuyển đổi số của Vietcombank. Đây là kênh ngân hàng số 24/7 dành cho khách hàng cá nhân giúp khách hàng thực hiện giao dịch bất cứ nơi đâu, trên mọi thiết bị kết nối internet.
Khách hàng có thể đăng ký VCB Digibank hoàn toàn trực tuyến chỉ trong một vài phút thông qua công nghệ định danh trực tuyến eKYC mà không cần phải đến ngân hàng. VCB Digibank kế thừa các phương thức bảo mật đã được áp dụng cho khách hàng trên các dịch vụ trước đây bao gồm: Bảo mật đăng nhập, bảo mật giao dịch và đặc biệt là Smart OTP. Hơn thế nữa, VCB Digibank còn được bổ sung công nghệ xác thực đăng nhập mới – Push Authentication.
Với công nghệ này, khi khách hàng đăng nhập trên trình duyệt web, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo tới ứng dụng di động để chờ khách hàng xác nhận trước khi cho phép đăng nhập thành công. Các công nghệ xác thực đăng nhập cùng với Smart OTP sẽ là các lớp bảo vệ gia tăng, tạo nên một “bức tường” bảo mật kiên cố bảo đảm sự an toàn cho khách hàng trong mỗi giao dịch.
Số lượng khách hàng cá nhân sử dụng ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ và nhận được phản ứng tích cực từ khách hàng bởi các tính năng hiện đại, trải nghiệm mới mẻ, giúp hàng triệu khách hàng được tận hưởng sự thuận tiện tối đa trong mỗi giao dịch. Tính riêng trong năm 2021, số lượng khách hàng trên các kênh số tăng hơn 45%. Mỗi ngày, các kênh số của Vietcombank xử lý thông suốt từ 2,5-3,5 triệu giao dịch với giá trị từ 18-36 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch.
Ngân hàng số “0” phí
Kể từ ngày 1/1/2022, Vietcombank miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng cá nhân.
Với chính sách phí mới này, Vietcombank miễn phí cho mọi giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank (bao gồm cả chuyển tiền qua số tài khoản và chuyển tiền qua số thẻ) trên VCB Digibank, khách hàng thực hiện chuyển tiền là được miễn phí mà không cần đăng ký gói dịch vụ, không yêu cầu số dư tối thiểu.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ bao gồm: Phí duy trì dịch vụ VCB Digibank (mức phí trước đây là 10.000 đ/tháng) và phí quản lý một tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank (mức phí trước đây là 2.000 đ/tháng).
Có khá nhiều khách hàng như chị Thủy đều cho rằng việc ngân hàng thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số sẽ giúp họ thay đổi thói quen chi tiêu tiền mặt để chuyển sang sử dụng kênh ngân hàng số khi không còn e ngại về việc trả phí.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, với việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên, hằng ngày của khách hàng trên kênh số mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về đăng ký gói dịch vụ hay duy trì số dư tối thiểu, Vietcombank mong muốn mang tới cho khách hàng sự đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhất khi giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank.
“Chúng tôi tin tưởng sự thay đổi này sẽ được khách hàng đón nhận tích cực và cam kết không ngừng cải tiến để mang đến các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ.
Với việc miễn toàn bộ phí duy trì và phí giao dịch chuyển tiền của khách hàng trên kênh số, không chỉ nhằm hỗ trợ khách hàng mà còn góp phần thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Tại Hội thảo triển lãm chủ đề “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”, trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2022 do NHNN và báo Tuổi Trẻ tổ chức vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho hay, nhiều ngân hàng có giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí rất lớn. Chuyển đổi số ngành ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Nhưng để làm chuyển đổi số cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…”, ông Dũng nhận định.
Còn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đang tích cực nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Theo Chinhphu.vn