Tàu quan sát năng lượng (Energy Observer) đang hành trình ở Đông Nam Á, dừng chân tại Thành phố Hồ Chí Minh – điểm dừng thứ 73, một trong những điểm dừng cuối cùng trong chuyến du hành vòng quanh thế giới.
Khởi hành năm 2017 từ Saint-Malo, cảng quê hương của con tàu, Energy Observer đã đi hơn 50 nghìn hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.
Được nâng cấp từ một con tàu hai thân huyền thoại, từng là chiếc thuyền buồm chiến thắng cuộc đua vòng quanh thế giới cùng với Sir Peter Blake, Energy Observer là phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái được thiết kế để thúc đẩy các giới hạn của công nghệ không phát thải. Năng lượng hydro, mặt trời, gió, thủy triều, mọi giải pháp đều được trải nghiệm, thử nghiệm và tối ưu hóa ở đó để biến năng lượng sạch trở thành giải pháp cụ thể và dành cho mọi người.
“Kể từ khi bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới năm 2017, chúng tôi đã có cơ hội nghiên cứu sâu thách thức về năng lượng và chuyển đổi năng lượng mà các chủ thể khác nhau trong lĩnh vực này phải đối mặt. Các chiến lược và công nghệ trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính của chúng ta đã chín muồi để có thể huy động hàng loạt nguồn vốn đầu tư vào các công nghệ cacbon thấp và qua đó giúp cho mọi người đều có thể tiếp cận được”, Victorien Erussard, Thuyền trưởng và nhà sáng lập của Energy Observer cho biết.
Với tư cách là đại sứ đầu tiên của Pháp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững, chuyến du hành vòng quanh thế giới này cũng nhằm khảo sát toàn bộ những giải pháp có lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái và nâng cao nhận thức của mọi đối tượng, từ những nhà hoạch định chính sách cho đến các nhà công nghiệp, về sự chuyển đổi cần thiết này thông qua một loạt nội dung truyền cảm hứng và mang tính giáo dục (phim tài liệu, loạt phim đăng tải trên web, bài báo khoa học, triển lãm lưu động, v.v.).
Energy Observer nhận được sự bảo trợ cấp cao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Con tàu này cũng có sự hỗ trợ chính thức của Bộ Chuyển đổi sinh thái, UNESCO, Liên minh châu Âu, của Irena (Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế) và Ademe (Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng Pháp).