Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu

   Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Lễ khởi công Dự án Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu.

Sáng 28/5, tại huyện Mộc Châu (Sơn La), Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp UBND tỉnh Sơn La chính thức ra mắt và khởi công dự án “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” – hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, hiện đại gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu ý kiến.

Tại sự kiện, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã chính thức khởi công cho hạng mục “Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu” và nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hạng mục Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, đánh dấu cột mốc quan trọng và chính thức bắt tay vào xây dựng Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu. 

Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, Công ty Mộc Châu Milk đã gắn bó với người dân địa phương để phát triển ngành chăn nuôi sữa và góp phần đưa thương hiệu sữa Mộc Châu trở nên thân thuộc với người tiêu dùng cả nước. Từ đầu năm 2020, sau khi Vinamilk thực hiện thành công thương vụ mua bán sáp nhập thì Mộc Châu Milk chính thức trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk. Hai tên tuổi lớn của ngành sữa đã dành hơn 2 năm cùng nghiên cứu, hình thành dự án mang tên “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” với tổng vốn đầu tư lên đến 3.150 tỷ đồng.

Dự án Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu hội tụ các thế mạnh từ bề dày hơn 65 năm gắn bó và phát triển chăn nuôi bò sữa của Mộc Châu Milk và nguồn lực tài chính, quản trị cũng như kinh nghiệm của Vinamilk trong việc xây dựng thành công 13 nhà máy và 13 trang trại bò sữa trên cả nước, trong đó có các mô hình đặc sắc như: Resort Bò sữa 4.0, Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm. Có thể nói, đây là một trong những dự án về nông nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và cũng là mô hình “Thiên đường sữa” đầu tiên được Vinamilk và Mộc Châu Milk giới thiệu tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu -0
Bà Mai Kiều Liên cho biết, Dự án “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” hứa hẹn sẽ góp phần mang đến một diện mạo mới cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu.

Tại sự kiện, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mộc Châu Milk, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết: “Dự án dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024. Tổ hợp dự án với trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa hiện đại, đạt chuẩn quốc tế sẽ là hạt nhân để phát triển ngành sữa địa phương và đưa thương hiệu sữa Mộc Châu ngày càng lớn mạnh. Vinamilk và Mộc Châu Milk sẽ tích cực triển khai để xây dựng dự án theo đúng tiến độ, mang lại hiệu quả bền vững. Tin tưởng rằng với dự án này, một chương mới sẽ được mở ra trong hành trình phát triển của vùng đất “thiên đường sữa” tại Mộc Châu, Sơn La”.

Dựa trên định hướng mục tiêu là phát triển du lịch tại Mộc Châu gắn liền với chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La, trong đó ngành chăn nuôi bò sữa là chủ lực, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã xây dựng “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” như một hệ sinh thái khép kín từ sản xuất nông nghiệp tới chế biến sữa công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững, kết hợp du lịch sinh thái để bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên, đồng cỏ vốn là bản sắc vùng cao nguyên Mộc Châu.  Cụ thể, Tổ hợp gồm 2 hạng mục chính:

“Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu”: mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái có diện tích quy hoạch là 150ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, gồm:

Trang trại bò sữa công nghệ cao có quy mô đàn bò 4.000 con bò sữa, với vốn đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm làm nguyên liệu cho nhà máy sữa. Trang trại sử dụng công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị được đầu tư đạt các tiêu chuẩn mới nhất châu Âu, Mỹ… đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với mội trường. Khu du lịch, cảnh quan sinh thái đồng cỏ có vốn đầu tư 300 tỷ đồng gồm các công trình dịch vụ tiện ích, văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm tìm hiểu hoạt động chăn nuôi bò sữa góp phần giới thiệu văn hóa, lịch sử, đặc sản của địa phương và quảng bá thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Khu vực đồng cỏ rộng lớn kết nối với trang trại, cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh, chuẩn quốc tế cho đàn bò sữa 4000 con. Ngoài ra, Mộc Châu Milk còn đầu tư thêm 150 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống bò sữa Mộc Châu 2 hiện có từ lên 2.000 con bò sữa, giúp gia tăng nguồn sữa tươi nguyên liệu và con giống cho thị trường trong nước.

Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có diện tích 26ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày (giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2). Nhà máy được thiết kế mô hình kiến trúc xanh phù hợp cảnh quan thiên nhiên Mộc Châu; ứng dụng công nghệ 4.0 toàn diện trong hệ thống quản lý và vận hành với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy cũng sẽ được đầu tư những công nghệ ưu việt giúp bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các chỉ tiêu về phát triển bền vững.

Dự án “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” hứa hẹn sẽ là một dấu ấn mới trong sự phát triển của Vinamilk và Mộc Châu Milk nói riêng, góp phần mang đến một diện mạo mới cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, được kỳ vọng trở thành một điểm nhấn về nông nghiệp-kinh tế-du lịch theo định hướng phát triển bền vững của Sơn La và cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu -0
                                                              Quang cảnh sự kiện.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng Vinamilk sẽ tiếp tục thành công ở Sơn La với một tâm thế mới, vị thế mới, một thế hệ Vinamilk mới. Sơn La có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc Tây Bắc. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là một vùng còn nhiều khó khăn, đất đai không nhiều, khí hâụ không thuận lợi. Trong hoàn cảnh đó, Sơn La từng bước vượt qua khó khăn dưạ trên truyền thống đoàn kết, tự mình vươn lên, kết nối truyền thống “lớp cha trước, lớp con sau”, tiếp tục phát huy làm được, khắc phục hạn chế, bất cập. Tỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, trọng tâm cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, đưa cây ăn quả lên sườn dốc thay đổi tư duy để thay đổi toàn bộ vùng đất.

Sơn La đã phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó, thay đổi tư duy, thay đổi cơ cấu mang lại của cải vật chất, nguồn lực rất lớn, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Tỉnh hiện nay trồng rất nhiều trái cây chất lượng cao. Chủ trương lớn của Đảng là cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.

Về cao nguyên Mộc Châu, Thủ tướng có ấn tượng và trăn trở để phát triển vùng đất này. Đây là vùng đất rất đặc biệt với tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất lớn nhưng thiếu quy hoạch bài bản, cơ chế, chính sách, tầm nhìn tư duy đột phá để Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, toàn diện của Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung.

Vùng đất này có độ ẩm phù hợp, nắng gió. Mộc Châu có điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ cà công nghiệp chế biến, công nghệ sau thu hoạch. Điều này là hết sức quan trọng vì hiện nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu hoa quả thô chưa qua chế biến. Đây là sự kết hợp giữa Vinamilk với tỉnh để phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác dựa trên thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, xanh sạch, kết nối thành chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Thủ tướng hoan nghênh Mộc Châu Milk hoàn thành thủ tục đầu tư dự án, đầu tư bài bản; tin chắc đơn vị ngày càng đúc rút kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ các bên để phát triển nhanh hơn. Sơn La và Vinamilk phải phát triển kinh tế tuần hoàn tại Mộc Châu và tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, ao hồ, rác thải… sinh khí metan, do đó phải tích cực bảo vệ môi trường. Cao nguyên Mộc Châu không chỉ phát triển chăn nuôi mà chăn nuôi phải kết nối với du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch. Việc này đòi hỏi chi phí lớn nhưng với kinh nghiệm và tiềm lực của Vinamilk làm được.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển kinh tế số, đẩy mạnh hệ sinh thái số, hệ sinh thái công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp. Phát triển nhanh và bền vững, đổi mới công nghệ. Vinamilk phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì hiện nay chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nỗ lực không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường, giảm khí thải metan trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Đối với Sơn La, Thủ tướng đề nghị phải rà soát lại quy hoạch để sử dụng hơn 1.000km2 ở Mộc Châu, biến vùng đất này thành trọng điểm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuàn hoàn, kinh tế số và bảo vệ môi trường của tỉnh nói riêng, Tây Bắc nói chung; Nghiên cứu có những cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực hợp tác công tư; Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Đề cao tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại.

Sơn La đã và đang làm được điều này nhất là cơ cấu cây trồng, mở rộng thị trường. Tỉnh cần xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành trung tâm phát triển nhanh và bền vững; Phải có sự phối hợp giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; hài hòa lợi ích ba chủ thể này. Thủ tướng mong doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La hài hòa lợi ích để phát triển.

Thủ tướng lưu ý khi quy hoạch phát triển các dự án thì phải có dịch chuyển dân cư, lưu ý làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm người dân đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Sơn La cần phát huy truyền thống lịch sử văn hóa vùng Tây Bắc, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, làm có trọng tâm, trọng điểm; Chú trọng phát triển hạ tầng. Chính phủ sẽ có trách nhiệm cùng với Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên để cải thiện hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa, giáo dục và y tế; chăm lo đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tỉnh vẫn phải phát triển từ nguồn lực chính mình, đó là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa, đoàn kết, các di sản…

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo