Thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày.
Tháng 5, con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ như khoác trên mình tấm áo mới. “Tấm áo” được dệt bằng sắc đỏ của phượng hồng và sắc tím bằng lăng.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Điện Biên: Ðược sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, Điện Biên đang từng bước đi lên trên con đường dựng xây và phát triển. Mấy chục năm trước, hầu hết các tiềm năng như: quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, bản sắc văn hóa các dân tộc, rừng, đất rừng, đất ruộng của Điện Biên chưa được phát huy một cách hiệu quả. Có tiếng là đất rộng người thưa nhưng phần lớn là đất rừng, trong khi hầu hết người dân các huyện vùng thấp (Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà) đến các huyện vùng cao (Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé)… chỉ độc canh cây lúa nương. Chính nguyên nhân đó khiến tỷ lệ hộ nghèo Điện Biên luôn đứng cuối danh sách 63 tỉnh, thành phố cả nước. Câu hỏi “Phải làm gì, làm thế nào để nâng cao mức sống cho nhân dân?” trở thành nỗi thôi thúc trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên; trở thành sự thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh.
Kể từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Điện Biên được Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ triển khai nhiều chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ðiện, đường, trường, trạm gần như cùng lúc được xây dựng ở khắp các xã trong tỉnh. Đặc biệt, phải kể đến đoạn đường trên quốc lộ 6 từ đỉnh đèo Pha Đin đến trung tâm huyện Tuần Giáo và quốc lộ 279 đoạn từ Tuần Giáo đến Điện Biên với chiều dài gần 120 cây số được đầu tư nâng cấp mở rộng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004) đã đem lại rất nhiều cơ hội đổi thay cho mảnh đất lịch sử. Trên con đường ấy, vẫn còn đó những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ”, “Dốc bảy tời”, “Ðồi chuối”… nơi Anh hùng quân đội Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo.
Phát huy tinh thần Ðiện Biên Phủ, ngày nay nhân dân các dân tộc Điện Biên tiến quân mạnh mẽ vào khoa học-kỹ thuật, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xóa đói, giảm nghèo xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển, trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc. Không riêng cánh đồng “Nhất Thanh” ở lòng chảo Điện Biên mà khắp các cánh đồng ở Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa… đồng ruộng được gieo bằng giống mới năng suất cao hơn, chất lượng nức tiếng làm nên thương hiệu gạo Điện Biên, khiến du khách dù chỉ đến một lần vẫn mãi nhớ vị đậm đà thơm dẻo gạo Điện Biên. Cùng làm với nông dân theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, mỗi năm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện đều chọn cử những kỹ sư giỏi nhất, tâm huyết nhất hướng dẫn bà con phương pháp gieo sạ, phun thuốc diệt cỏ và sử dụng phân hữu cơ đúng cách, đúng liều lượng.
Nhờ vậy, mỗi năm hai vụ, lúa trên cánh đồng Mường Thanh đều đạt năng suất 65 tạ/ha; ở các huyện vùng ngoài dù cây lúa đạt năng suất thấp hơn (50 tạ/ha) song đó vẫn là con số “ước mơ” với người nông dân sau những ngày đầu Điện Biên giải phóng. Ngoài cây lúa, Điện Biên còn chú trọng đầu tư phát triển vùng nông nghiệp trọng điểm cây trồng, như: cà-phê ở Mường Ảng; chè ở Tủa Chùa; cao-su ở Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé. Và sẽ thật thiếu nếu không đề cập cây mắc-ca, loại cây trồng mới bén rễ trên rừng núi Điện Biên, được kỳ vọng cây đa mục đích không chỉ giúp người nông dân thoát nghèo mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc trên đồi núi Điện Biên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cho biết: Trong các kế hoạch, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Điện Biên xác định mắc-ca là cây đa mục đích, phù hợp với điều kiện tự nhiên, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Chính vì thế, ngoài chính sách thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp nói chung. Điện Biên còn có riêng chính sách đặc thù đầu tư phát triển cây mắc-ca. Nhờ đó, sau ba năm triển khai Điện Biên đã thu hút hàng chục nhà đầu tư uy tín, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư chín dự án với hơn 53 nghìn ha cây mắc-ca. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng gần 4.000 ha, trong đó có hơn 3.000 ha được các doanh nghiệp trồng thuần tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ; còn gần 600 ha do nhân dân trồng xen với cây trồng khác. Với sản lượng trung bình từ 5 đến 7 tấn quả tươi/ha/năm, giá bán trung bình từ 40-60.000 đồng/kg, bước đầu cây mắc-ca trồng ở Tuần Giáo đã cho nguồn thu từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Điều đó càng củng cố thêm niềm tin tưởng của đồng bào các dân tộc vào giải pháp phát triển kinh tế từ tiềm năng lợi thế được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên lựa chọn.
Những năm qua, Điện Biên luôn dành sự quan tâm đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng việc triển khai các chương trình, dự án đồng thời giải quyết vấn đề bức xúc về thiếu đất ở, nhà ở gắn với hỗ trợ sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương. Có sự hỗ trợ, đồng hành của các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Công an, từ năm 2019-2021 toàn tỉnh Điện Biên có gần 3.000 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông được ở trong những ngôi nhà mới khang trang ấp áp nghĩa tình; hàng chục nghìn hộ nghèo thuộc các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, Dao, Hà Nhì, Si La… được hỗ trợ cây, con giống, được tham gia các mô hình phát triển kinh tế phù hợp nguyện vọng… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên cứ năm sau giảm hơn năm trước, giảm nhiều nhất là giai đoạn 2016-2021 từ 48,14% xuống còn 29,97%.
Năm 2021 dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Điện Biên đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 6,01%, cao hơn nhiều so với năm 2020 (năm 2020 đạt 2,19%) và cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (đạt 124,39% dự toán giao), là năm đầu tiên sau nhiều năm tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đạt chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn theo dự toán được giao.
Kế tiếp kinh nghiệm, kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa 14, nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành riêng một nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỉnh ủy Điện Biên đề ra sáu giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư bằng cơ chế đất đai, thuế, lao động nhằm thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ xã hội thiết yếu vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là người tâm huyết, đau đáu với ước mong cuộc sống ấm no của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên với nhân dân. Theo đó, xa trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông không đồng bộ; địa hình cách trở; nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn hủ tục lạc hậu… là khó khăn đặc thù của Điện Biên. Nhưng lợi thế là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, cảnh quan thiên nhiên bao la khoáng đạt, sông núi Điện Biên trập trùng hùng vĩ và văn hóa truyền thống đặc sắc của 19 dân tộc ở Điện Biên.
Đánh thức tiềm năng riêng, biến lợi thế thành động lực phát triển để xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm vùng Tây Bắc chính là việc của mỗi người dân; mà trước nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên đã được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. Mỗi người dân cần đồng lòng xây dựng Điện Biên thành điểm đến hấp dẫn, trung tâm của cả vùng Tây Bắc; đem cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc trên vùng đất lịch sử anh hùng.
Theo Nhandan