Với sự hiện diện của hon 200 doanh nghiệp Hàn Quốc và một số tổ chức kinh tế, địa phương… tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; đã cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói tiêng thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Thành công tiếp nối thành công
Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022 được diễn ra với chủ đề “Hải Phòng – điểm đến thành công”. Đây là sự kiện do Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp tổ chức thành công vào cuối tuần qua (15/4), tại Hải Phòng và trên nền tảng trực tiếp 2 điểm cầu Việt Nam – Hàn Quốc. Hội nghị được coi là cơ hội lớn để thúc đẩy kênh trao đổi hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc và Hải Phòng, tạo động lực để Hải Phòng trở thành một điểm đến đầu tư năng động, thuận lợi, an toàn và trở thành “Điểm đến thành công” đối với các nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng, cùng đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình khảo sát nghiên cứu, triển khai dự án tại các tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng…
Nhấn mạnh về những thuận lợi của Hải Phòng trong việc đáp ứng sẵn sàng đáp ứng tốt nhất cho những nhu cầu kinh doanh sản xuất của nhà đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã thông tin về một số kết quả phát triển kinh tế của Hải Phòng thời gian gần đây..
Cụ thể, thành phố đã phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2016-2020 trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu đề ra, gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 3 lần giai đoạn trước; đã hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, mở rộng không gian phát triển của vùng.
Cục trưởng Cục ĐTNN phân tích, năm 2021, Hải Phòng đã thực hiện rất quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, là một trong những địa phương thực hiện phòng, chống dịch thành công nhất, hiệu quả nhất trong cả nước. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao, đạt 12,38%, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu trên cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%. Trong năm 2021, Hải Phòng vươn lên trở thành thành phố thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất cả nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng minh chứng, Hải Phòng là nơi tỏa sáng của thương hiệu LG Display (LGD) của Hàn Quốc. Theo đó, đây thực là một “hiện tượng” trong thu hút đầu tư của Hải Phòng, với việc chỉ trong vòng 6 tháng, LGD 2 lần tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thành phố.
Được biết, Hải Phòng hiện có 171 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký khoảng 9,56 tỷ đô la Mỹ, chiếm 42 % tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn thành phố. Tính riêng trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng hiện có 102 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký khoảng 8,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 43,7% tổng vốn đầu tư toàn khu, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư Hàn Quốc trên toàn thành phố. Năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng đạt 13,1 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch xuất khẩu đạt 13,59 tỷ đô la Mỹ.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng khẳng định trước Hội nghị, Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc, bởi những lợi thế sau vị trí địa lý thuận lợi, đồng bồ, toàn diện với vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và là địa phương duy nhất tại phía Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng: Đường bộ – Đường biển – Đường sắt – Đường thủy – Đường hàng không; quyết tâm của chính quyền địa phương trong thu hút đầu tư, ngành và lĩnh vực Hải Phòng ưu tiên hướng đến, thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao với 1,2 triệu lao động, trong đó 75% đã qua đào tạo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cùng với đó, Hải Phòng có Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải nằm trong danh sách 17 khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam; được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành (về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất – nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước,…).
Tại Hội nghị, đại diện của Đai sứ quán Đại Hàn dân Quốc tại Việt Nam ông Min Moon Ki, Tùy viên Thương mại, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy – Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ông Lê Trung Kiên, cùng đại diện các các Sở, Ban, ngành thành phố Hải Phòng và nhiều nhà đầu tư đã thảo luận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Hải Phòng, các khó khăn vướng mắc nhà đầu tư đang gặp phải cần tập trung giải quyết trong thời gian tới…
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng chứng kiến Trung tâm Xúc tiến đầu tư và dịch vụ việc làm Khu kinh tế Hải Phòng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa về việc hợp tác cung cấp dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính cho các dự án, doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố. Khu công nghiệp Deep C và Công ty Trách nhiệm hữu hạn LogisValley HTNS thỏa thuận hợp tác về việc nghiên cứu lắp đặt mái pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Deep C. Đồng thời, chứng kiến Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Halla Electronics Vina – Khu công nghiệp Tràng Duệ về việc tăng vốn 30 triệu USD
Dự án của Hàn Quốc thường có quy mô lớn, tác động sâu rộng tới kinh tế – xã hội…
Trong Hội nghị, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng phân tích và thông tin sâu về quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Cụ thể, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, được vun đắp bằng tình hữu nghị và những nỗ lực chung của Chính phủ và nhân dân hai nước. Năm 2022 đánh dấu 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam là đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường của Hàn Quốc. Ông Hoàng nhấn mạnh, hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hàn Quốc là đối tác ĐTNN lớn nhất của Việt Nam với 9.265 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 78,6 tỷ USD (chiếm 18,5%).
Năm 2021, mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID 19 nhưng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đạt gần 5 tỷ USD; Qúy 1 năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD. Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, hoạt động kinh doanh bất động sản, logistic, xây dựng,…. Đây đều là các lĩnh vực phù hợp với chiến lược thu hút ĐTNN của Việt Nam. Về thương mại Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021 với tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều năm đạt 78,1 tỷ USD (tăng hơn 18,3% so với năm 2020).
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhận định các dự án của Hàn Quốc thường có quy mô lớn, tác động sâu rộng tới kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Các dự án quy mô lớn mà Samsung, LG, SK, Posco, Hyundai, Lotte… đã đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD. Đặc biệt, hai dự án gần đây vào lĩnh vực bán dẫn của Amkor Technology và Hanamicron với tổng vốn đầu tư cam kết gần 3 tỷ USD sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái bán dẫn và khi đi vào hoạt động sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chíp bán dẫn toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, luôn đưa ra quyết định nhanh chóng, làm ăn kinh doanh có hiệu quả, tuân thủ pháp luật, đóng góp ngân sách cao, chú trọng bảo vệ môi trường, đồng thời, rất chăm lo đời sống người lao động, và làm tốt công tác an sinh xã hội cho cộng đồng.
Cuc trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết định hướng FDI của Việt Nam hiện nay đã chuyển từ chỉ đơn thuần “thu hút” vốn FDI, sang “hợp tác” với các nhà ĐTNN trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Việt Nam ưu tiên hợp tác, thu hút các dự án FDI: (i) có công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; (ii) có sự lan tỏa, liên kết, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào chuỗi giá trị; (iii) thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam…
Với định hướng trên, Việt Nam và Hàn Quốc còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để hợp tác. Sự hợp tác này có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ giữ vai trò tiên phong về đổi mới tư duy, tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Đối với Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành sẽ luôn cùng với Hải Phòng để đồng hành, hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc; để Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế, đúng với tên gọi thành phố “Hoa phượng đỏ”.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các KCN, KKT trên địa bàn thành phố Hải Phòng là một sự kiện quan trọng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022) nhằm trao đổi và thông tin đến các nhà đầu tư về sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung.