Mạng lưới các thành phố sáng tạo, các sáng kiến và mục tiêu hướng tới của Hà Nội xây dựng Thành phố sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, phù hợp với các mục tiêu, chương trình của UNESCO. Ảnh: Đỗ Hùng
Đây là một nội dung được đưa ra theo kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc – UNESCO đến năm 2025.
Kế hoạch vừa được thành phố Hà Nội thông qua đưa ra các nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các nội dung liên quan đến Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô và quốc tế đối với các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới.
Sáng kiến và mục tiêu dựa trên nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa
Có 3 nội dung sáng kiến ở cấp độ địa phương và 3 sáng kiến ở cấp độ quốc tế, Hà Nội cần thực hiện, lần lượt là: Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội; chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á; Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ.
Để xây dựng chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội, Thành phố đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội sản xuất các chương trình, liveshow, talkshow, các cuộc thi xoay quanh chủ đề thiết kế và sáng tạo với mục tiêu thúc đẩy văn hóa sáng tạo cho tất cả công dân Thủ đô.
Về Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, thành phố xác định đây là sự kiện thường niên, quy tụ chuỗi sự kiện, hoạt động chuyên đề, chương trình tôn vinh, giao lưu văn hóa nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo ở Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố trong nước và toàn cầu…
Tương tự, với nhiệm vụ hình thành Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ, Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Ngoại vụ, Thành đoàn… phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trong nước và quốc tế thực hiện dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ đưa Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo”, bao gồm các hoạt động bảo tồn và phục hồi các di sản văn hóa, phục hồi các làng nghề và hỗ trợ các không gian sáng tạo để nuôi dưỡng các tài năng trẻ của Hà Nội…
Tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội tiếp tục được xướng tên trong 66 Thành phố trên thế giới được công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
Các thành phố của mạng lưới đến từ tất cả các châu lục và khu vực có mức thu nhập và dân số khác nhau, cùng nhau hướng tới một sứ mệnh chung, đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong việc phát triển đô thị để tiến tới các thành phố an toàn, hội nhập và phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững. Tính đến tháng 6/2019, mạng lưới có tổng số 180 thành phố trên thế giới thuộc 72 quốc gia thành viên của UNESCO được công nhận đạt tiêu chí của mạng lưới này.
Hà Nội là “trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế” – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc tế và quốc gia, với hàng trăm làng nghề truyền thống…
Hà Nội cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hệ thống các trung tâm nghiên cứu, học viện, trường đại học, cao đẳng… rất thuận lợi cho việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới – những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Theo Chinhphu.vn