Doanh nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Tăng tốc đầu tư, sản xuất, kinh doanh

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Mensa Industries (KCN VSIP Quảng Ngãi).

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Mensa Industries (KCN VSIP Quảng Ngãi).

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Mensa Industries (KCN VSIP Quảng Ngãi).

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chủ động kết nối cung cầu để bù đắp những khó khăn của năm 2021. 

Tăng trưởng cao
Trong 3 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu kinh tế tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đều tăng mạnh, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD, tăng 39,37% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, tăng 27,96% so với cùng kỳ năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 4.800 tỷ đồng, tăng 38,86% so với cùng kỳ, đạt 28,59% kế hoạch năm.
Để đạt được những con số ấn tượng này, các DN trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã không ngừng nỗ lực phục hồi sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị DN, mở rộng quy mô sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Tính đến cuối tháng 3/2022, các DN tại đây đã tuyển mới và bố trí việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động. Lũy kế đến nay, tổng số lao động làm việc trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hơn 66 nghìn người.
Sự tăng trưởng không chỉ đến từ các ngành lọc hóa dầu, thép, mà còn xuất hiện ở những DN mới, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu phụ trợ, may mặc và linh kiện điện tử. Tại KCN VSIP Quảng Ngãi, có một số DN mới đi vào hoạt động, hoặc mở rộng quy mô sản xuất có giá trị xuất khẩu cao như: Nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Xindadong, Công ty TNHH Millennium Furniture, Công ty TNHH Happy Furniture Việt Nam, Công ty TNHH ShengYang…
Đại diện Nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Xindadong cho biết, công ty đã tận dụng tốt “khoảng nghỉ” trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, để xây thêm nhà xưởng, tuyển công nhân, biến thách thức thành cơ hội, ký hợp đồng những đơn hàng lớn. Vì thế, khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”, công ty bắt tay ngay vào sản xuất để hoàn thành các đơn hàng của nhiều đối tác sẵn có.
Còn đối với Công ty TNHH King Maker III và Công ty TNHH Properwell Việt Nam, chuyên sản xuất giày xuất khẩu đi thị trường Mỹ, cũng đã tập trung mở rộng đầu tư, tuyển công nhân, đưa vào vận hành thêm 2 dây chuyền hiện đại ngay sau khi cả nước bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn”. Hiện tại, đơn hàng mà 2 DN này đã ký kết đủ đảm bảo việc làm cho công nhân trong cả năm 2022.
Đẩy nhanh tiến độ dự án mới
Tại KCN VSIP Quảng Ngãi, hiện có nhiều nhà đầu tư đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà xưởng, mua sắm, vận chuyển và lắp đặt máy móc để sớm đi vào hoạt động. Điển hình là Công ty TNHH Happy Furniture Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Nhà máy sản xuất đồ nội thất Happy Dung Quất giai đoạn 2B. Theo kế hoạch đến tháng 8/2022, nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động.
Đại diện Công ty CP Kỹ thuật xây dựng DINCON – đơn vị thiết kế và thi công nhà máy cho biết, dự án khởi công xây dựng vào tháng 2/2022, hiện đang huy động hàng chục phương tiện máy móc, hàng trăm công nhân làm việc 3 ca, phấn đấu đưa công trình hoàn thành trước kế hoạch khoảng 20 ngày. Theo đại diện chủ đầu tư, khi nhà máy này hoàn thành đi vào vận hành sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất, kịp thời giải quyết các đơn hàng cho đối tác nước ngoài mà công ty đã ký kết. Từ đó, tạo uy tín trên thương trường, mở ra cơ hội để thu hút nhiều hơn nữa những khách hàng mới từ Châu Âu.
Sản xuất nệm xuất khẩu đi Mỹ tại Công ty TNHH Millennium Furniture  (KCN VSIP Quảng Ngãi).
Cũng đóng chân trong KCN VSIP Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam – Dung Quất, do Công ty TNHH Bekaert Việt Nam làm chủ đầu tư (được cấp chứng nhận đầu tư năm 2017), đang tập trung đẩy nhanh tiến độ. Toàn bộ khu nhà xưởng đã đạt khoảng 70 – 80% khối lượng, dự kiến quý III/2022 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy xây dựng trên diện tích 40ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, chuyên sản xuất sợi thép bện, sợi tăm thép dùng gia cố trong lốp xe và sợi thép bện cải tiến dùng cho ngành ô tô và các ngành công nghiệp khác. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp 75 nghìn tấn sợi thép bện, 1.000 tấn sợi tăm thép và 2.000 tấn sợi thép bện cải tiến mỗi năm.
Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã cấp quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy thép lá và ống thép Dung Quất (do Công ty TNHH Thép Dung Quất làm chủ đầu tư), với vốn đăng ký 110 tỷ đồng. Điều chỉnh 4 dự án, trong đó có 1 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 86 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý, giải quyết các vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng để dự án sớm chính thức triển khai, hoàn thành, đi vào hoạt động.
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đàm Minh Lễ cho biết, không chỉ tích cực thu hút các dự án mới, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý còn tập trung hướng dẫn các nhà đầu tư giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án, như đôn đốc Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Khu đô thị – công nghiệp Dung Quất; giải quyết vấn đề chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu khách sạn, nhà hàng và thể thao Hoàng Gia. Ban Quản lý đã xử lý tài sản trên đất của dự án Khu dịch vụ Tấn Trung tại xã Bình Hòa (Bình Sơn); thực hiện thủ tục cho thuê đất đối với 3 dự án; giảm tiền thuê đất năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các dự án…
Theo Báo Quảng Ngãi

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo