Cần “sếu đầu đàn” để phát triển Đắk Nông

Quang cảnh buổi Tọa đàm tham vấn các chuyên gia về Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Nông.

Tốc độ phát triển như hiện nay của Đắk Nông là chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững cần phải thu hút các doanh nghiệp lớn, nhất là đối với các lĩnh vực địa phương có thế mạnh, cần phải có “sếu đầu đàn” để tạo cú hích dẫn dắt, phát triển nền kinh tế.

Ngày 23/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức tọa đàm, tham vấn Đoàn chuyên gia do Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông Trần Quang Phú làm trưởng đoàn, về chủ đề Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Nông.

Báo cáo với đoàn chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020 Đắk Nông có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức bình quân chung cả nước, GRDP bình quân ước đạt 5,92%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng 1,34 lần so với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân khu vực nông nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước.

Công nghiệp khai khoáng có sự tăng trưởng đột phá, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách, tạo động lực mới thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cùng với phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông được tập trung đầu tư phát triển tương đối thuận lợi, đồng bộ, góp phần đưa Đắk Nông kết nối nhanh, mạnh mẽ hơn với các tỉnh, khu vực phát triển, nhất là vùng kinh tế động lực phía nam của cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đắk Nông vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Quy mô nền kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đắk Nông tập trung phát triển ba trụ cột của nền kinh tế là: công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh phát triển du lịch…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng Đắk Nông là tỉnh có điều kiện thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt. Với điều kiện khó khăn của một tỉnh mới thành lập nhưng chỉ trong thời gian ngắn tỉnh đã biết tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, cơ hội để đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, sớm thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các chuyên gia cũng cho rằng tốc độ phát triển như hiện nay là chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững cần phải thu hút các doanh nghiệp lớn, nhất là đối với các lĩnh vực địa phương có thế mạnh, cần phải có “sếu đầu đàn” để tạo cú hích dẫn dắt, phát triển nền kinh tế. Các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời tham vấn cho Đắk Nông nhiều ý kiến quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trước mắt cũng như tầm nhìn dài hạn để Đắk Nông phát triển bền vững.

Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch cho rằng, Đắk Nông có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ phía nam khu vực Tây nguyên, có quỹ đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp…, đây là những ưu thế sẵn có, trở thành tài nguyên dự trữ để Đắk Nông phát triển dài hạn, bền vững. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân làm cho Đắk Nông chậm phát triển, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển; lĩnh vực nông nghiệp còn mang tính truyền thống, tự phát; nguồn nhân lực của bộ máy hành chính Nhà nước, nguồn nhân lực xã hội chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.

Hiện Đắk Nông có khoảng 95% số doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong vòng 10 năm gần đây luôn nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm đứng cuối bảng; cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông chưa phát triển đang tiếp tục là lực cản lớn đối với quá trình phát; nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu đang là một thách thức lớn trong quá trình phát triển của tỉnh.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh, Đắk Nông cần xác định đầu tư, phát triển trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông theo hướng tăng cường kết nối với tỉnh Bình Phước và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đối với lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào khâu giống, công nghiệp chế biến sâu, mở rộng kết nối thị trường theo chuỗi; phát triển du lịch dựa vào thế mạnh sẵn có như hệ thống hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất Đắk Nông, hồ Tà Đùng, vốn được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên Cao nguyên…

Theo Nhandan.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo