Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có gần 6 triệu đơn vị điều tra, tăng 444,7 nghìn đơn vị, tương đương tăng 8% so với năm 2016; số lao động trong các đơn vị điều tra là gần 26 triệu người, tăng 752,8 nghìn người, tương đương tăng 3%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 1,9% về số đơn vị và tăng 0,7% về số lao động (Giai đoạn 2006-2011 tăng 4,9% và tăng 7,7%; giai đoạn 2011-2016 tăng 1,5% và tăng 3,6%).

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có gần 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 7,9% (Bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 8,7%); số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1% của giai đoạn 2011-2016.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 169,6 nghìn người, tăng 17,5% về số hợp tác xã và giảm 15,6% về lao động so với năm 2016. Số cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể năm 2020 gần 5,2 triệu cơ sở với số lao động 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số đơn vị và tăng 3% về số lao động so với năm 2016.

Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,5 người năm 2016 xuống 4,3 người năm 2020. Trong đó giảm mạnh ở khối doanh nghiệp, từ 27,2 người xuống 21,5 người; hợp tác xã giảm từ 15,1 xuống 11,1 người; cơ sở SXKD cá thể giảm nhẹ từ 1,7 người xuống 1,6 người…

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị và lao động. Trong tổng số đơn vị điều tra, khu vực dịch vụ có gần 4,9 triệu đơn vị, chiếm 81,8% (năm 2016 là 80,8%); khu vực công nghiệp – xây dựng là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 18,0% (năm 2016 là 19%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,8 nghìn đơn vị, chiếm 0,2% (tương đương với năm 2016).

Về số lao động, khu vực dịch vụ có hơn 14,2 triệu người, chiếm 53,8%, tăng 4,9% so với năm 2016; khu vực công nghiệp – xây dựng là 11,4 triệu người, chiếm 44,8%, tăng 0,8%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 349,7 nghìn người, chiếm 1,4%, giảm 0,6%.

Trong đợt Tổng điều tra kinh tế lần này, các đơn vị điều tra tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng; Đông Nam Bộ tiếp tục là vùng thu hút nhiều doanh nghiệp nhất cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng đơn vị điều tra lớn nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị, chiếm 25,9% tổng số đơn vị điều tra của cả nước; đứng thứ hai là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 1,3 triệu đơn vị, chiếm 21,9%; Đông Nam Bộ là 1,2 triệu đơn vị, chiếm 20,6%; Đồng bằng sông Cửu Long là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 17,9%; Trung du và Miền núi phía Bắc là 530,3 nghìn đơn vị, chiếm 8,8%; Tây Nguyên là 285 nghìn đơn vị, chiếm 4,8%.

Trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, Đông Nam Bộ thu hút tới gần 280,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% tổng số; Đồng bằng sông Hồng là 216,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 31,7%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 89,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 13,1%; thấp nhất là Tây Nguyên với 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%.

Số doanh nghiệp tăng chậm lại do ảnh hưởng dịch Covid-19

Theo kết quả Tổng điều tra, tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh và số lao động là 14,7 triệu người, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 3,1% về số lao động so với năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 9,8%/năm; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 2,6%/năm. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 1,2%/năm.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so với năm 2019 và tăng 35,0% so với năm 2016; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2%, tăng 18,4%  và tăng 58,6%; doanh nghiệp Nhà nước là gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3%, giảm 5,5% và giảm 25,1%.

Về lao động, khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút hơn 1 triệu người, chiếm 6,9% tổng lao động của doanh nghiệp, giảm 8,9% so với năm 2019 và giảm 21,5% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 8,6 triệu người, chiếm 58,4%, giảm 5,5% và giảm 0,01%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5,1 triệu người, chiếm 34,7%, tăng 2,6% và tăng 22,7%.

Xét theo khu vực kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 465,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% tổng số doanh nghiệp, tăng 3,1% so với năm 2019 và tăng 31,4% so với năm 2016; doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng là 211,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,9%, tăng 0,9% và tăng 44,5%; doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 13,6% và tăng 45,2%.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với số lao động là 9,3 triệu người, chiếm 63,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, giảm 3,1% so với năm 2019 và tăng 2,3% so với năm 2016; lao động doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 5,1 triệu người, chiếm 34,9%, giảm 3,5% và tăng 9,7%; lao động doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 253 nghìn người, chiếm 1,7%, tăng 1,5% và tăng 0,8%…

Phân bố các cơ sở sản xuất – kinh doanh cá thể không đồng đều giữa các vùng

Tính đến 31/12/2020, tổng số hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước là 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 6,2% so với năm trước và tăng 17,5% so với năm 2016. Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 169,6 nghìn người, giảm 5,7% so với năm 2019 và giảm 15,6% so với năm 2016.

Xét theo khu vực kinh tế, hợp tác xã khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 7,8 nghìn hợp tác xã, chiếm 50,7%, tăng 17,2% so với năm 2016; hợp tác xã khu vực công nghiệp và xây dựng là 2,8 nghìn hợp tác xã, chiếm 18,5%, tăng 11,3%; hợp tác xã khu vực dịch vụ là 4,7 nghìn hợp tác xã, chiếm 30,8%, tăng 21,9%.

Về lao động làm việc trong hợp tác xã, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thu hút nhiều lao động nhất với 75,6 nghìn người, chiếm 44,6% tổng số lao động đang làm việc trong hợp tác xã, giảm 12,1% so với năm 2016; khu vực dịch vụ là 57,8 nghìn người, chiếm 34,1%, giảm 15,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 36,2 nghìn người, chiếm 21,3%, giảm 22,6%.

Trong giai đoạn 2016-2020, số hợp tác xã tăng ổn định, bình quân mỗi năm tăng 3,5% nhưng số lao động trong hợp tác xã giảm dần, bình quân mỗi năm giảm 4,4%. Quy mô hợp tác xã đang dần bị thu hẹp, số lao động bình quân mỗi hợp tác xã giai đoạn 2016 – 2020 là 13,2 người/hợp tác xã, giảm 21,9% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Theo kết quả sơ bộ của Tổng điều tra, số cơ sở SXKD cá thể tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ phân bố các cơ sở cá thể giữa các vùng kinh tế – xã hội không đồng đều. Tính đến năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở SXKD cá thể với số lao động là 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số cơ sở (tăng 281,1 nghìn cơ sở) và tăng 3% (tăng 246,4 nghìn người) so với năm 2016, đây là mức tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra.

Đồng bằng Sông Hồng vẫn là nơi tập trung nhiều cơ sở SXKD cá thể nhất cả nước, với 1,3 triệu cơ sở, chiếm 25%, tăng 3,4% so với năm 2016; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ hai với 1,2 triệu cơ sở, chiếm 23,1%, tăng 6,6%; Đồng bằng Sông Cửu Long là 1 triệu cơ sở, chiếm 19,3%, tăng 1,9%; Đông Nam Bộ là 943 nghìn cơ sở, chiếm 18,2%, tăng 10,1%; Trung du và miền núi phía Bắc là 485,7 nghìn cơ sở, chiếm 9,4%, tăng 7,8%; Tây Nguyên là 260,2 nghìn cơ sở, chiếm 5%, tăng 10%.

Xét theo khu vực kinh tế, số cơ sở SXKD cá thể khu vực dịch vụ tiếp tục dẫn đầu về số lượng và lao động với hơn 4,3 triệu cơ sở và số lao động là 6,5 triệu người, tăng 8% về số cơ sở và tăng 6% về số lao động so với năm 2016. Số cơ sở SXKD cá thể khu vực công nghiệp và xây dựng là 863,3 nghìn cơ sở với số lao động là 2 triệu người, giảm 4,5% về số cơ sở và giảm 5,4% về số lao động so với năm 2016.

Tổng điều tra kinh tế 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.

Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Tổng điều tra kinh tế đã được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, công tác xử lý, tổng hợp kết quả sơ bộ đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ được công bố trong Quý I/2022 với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, những chuyên đề phân tích chuyên sâu sẽ được phổ biến dưới nhiều hình thức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin thống kê cho công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác.

Theo Tạp chí Công thương