Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sắc xanh tiếp tục áp đảo toàn bộ thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch 12/1, với mức tăng mạnh của nhóm năng lượng và kim loại. Qua đó, giúp chỉ số MXV-Index tăng 1,5% lên 2.450,38 điểm, vượt qua mức đỉnh gần nhất thiết lập hồi giữa tháng 10 năm ngoái.
Mặc dù vậy, thị trường nông sản có rất nhiều báo cáo quan trọng từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong ngày hôm qua, và giá thường biến động rất thất thường sau các báo cáo này. Vì thế, giới đầu tư thường không nắm giữ nhiều vị thế trước và sau báo cáo để hạn chế rủi ro, nên giá trị giao dịch toàn Sở chỉ đạt hơn 3.600 tỷ đồng, bằng với mức trung bình của cả năm 2021.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1, các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều. Toàn bộ nhóm đậu tương đều tăng gần 1%, trong khi lúa mì giảm mạnh kéo theo mức giảm của giá ngô.
Thông tin được thị trường quan tâm nhất trong phiên hôm qua là một loạt các báo cáo quan trọng được USDA phát hành vào 24 giờ đêm qua, vì thế phần lớn các mặt hàng chỉ đi ngang với biên độ nhỏ trước báo cáo, và đã có biến động khá mạnh sau thời điểm trên.
Đối với đậu tương, áp lực bán ngay sau Báo cáo cung-cầu nông sản tháng 1 chủ yếu đến từ việc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tăng dự báo tồn kho đậu tương niên vụ 2021-2022 của nước này lên mức 9,52 triệu tấn, so mức 9,25 trong báo cáo trước và 9,47 triệu tấn dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương của 2 nước Nam Mỹ bị hạ dự báo tổng cộng 8 triệu tấn so báo cáo tháng 12 về mức 139 triệu tấn với Brazil và 46,5 triệu tấn với Argentina.
Cả 2 con số này đều thấp hơn nhiều so dự đoán của thị trường. Qua đó, khiến tồn kho đậu tương thế giới niên vụ 2021-2022 cũng bị giảm dự báo về mức 95,2 triệu tấn, sát mức biên dưới của khoảng dự đoán, dẫn đến việc giá đậu tương phục hồi mạnh sau đó.
Đà tăng của đậu tương đã kéo theo mức tăng 0,75% của khô đậu, lên 416,2 USD/tấn Mỹ và dầu đậu tương tăng 0,85% lên 59,37 cent/pound. Mặc dù giá dầu cọ giảm nhẹ 0,57% trong phiên hôm qua, nhưng dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng mạnh gần 2% sau khi tồn kho giảm mạnh hơn dự đoán, cũng góp phần hỗ trợ mức tăng của dầu đậu.
Lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất phiên hôm qua trong nhóm nông sản, khi diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông năm nay được ước tính ở mức 34,4 triệu mẫu, tăng 2% so năm ngoái và cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường.
Bên cạnh đấy, tồn kho lúa mì Mỹ cuối niên vụ 21/22 được tăng dự báo lên mức 17,09 triệu tấn, cao hơn gần 800 nghìn tấn so báo cáo tháng 12 do xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giảm, là yếu tố chính khiến lực bán áp đảo ngay sau báo cáo. Đà giảm có phần được hạn chế trong nửa cuối phiên khi đồng Dollar sụt giảm mạnh.
Mức giảm của lúa mì cùng với lực bán ở vùng kháng cự tâm lý 600 cents đã khiến giá ngô giảm nhẹ 0,33% về mức 599 cents/giạ. Tồn kho ngô Mỹ 21/22 được tăng dự báo lên mức 39,11 triệu tấn, cao hơn gần 1,2 triệu tấn so báo cáo tháng trước, nhưng sản lượng ngô của 2 nước Nam Mỹ bị giảm dự báo tổng cộng 3,5 triệu tấn, khiến cho các tác động từ báo cáo này lên giá ngô là khá cân bằng. Tuy nhiên, tồn kho ethanol đã tăng mạnh lên mức 22,9 triệu thùng, cao nhất trong vòng 1 năm sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá ngô trong thời gian tới.
Trên thị trường nội địa, giá heo hơi nhích nhẹ trong ngày hôm nay. Cụ thể, khu vực miền bắc ghi nhận giá tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg lên 49.000-53.000 đồng/kg, cao nhất ở Hưng Yên, Bắc Giang, Ninh Bình. Khu vực miền trung, Tây Nguyên thấp hơn từ 48.000-50.000 đồng/kg. Còn ở miền nam như Tiền Giang, Tây Ninh cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 49.000-50.000 đồng/kg. Giá heo hơi dao động khoảng 48.000-51.000 đồng/kg.