Ảnh minh họa.
Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành hằng tháng được xem là một trong những báo cáo có ảnh hưởng nhất đến không chỉ giá của các mặt hàng như: ngô, lúa mì, đậu tương và là sự kiện được không chỉ giới đầu tư mà còn các nhà sản xuất trong ngành chăn nuôi Việt Nam đặc biệt chú ý.
Nếu như trên thị trường chứng khoán, báo cáo tài chính là đầu vào trong quá trình phân tích tình hình kinh doanh, cơ cấu tài sản cũng như dòng tiền của một doanh nghiệp thì báo cáo WASDE chính là la bàn, công cụ cung cấp những thông tin về tình hình sản xuất và thương mại đối với thị trường nông sản.
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tối hôm qua, các nhà đầu tư nông sản đã đón nhận Báo cáo đầu tiên của năm 2022. Tuy không tạo ra những biến động mạnh mẽ nhưng những số liệu này đã mang tới cho thị trường tín hiệu về triển vọng cán cân cung cầu trong thời gian tới. Điều này đóng vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta, bởi giá nông sản chiếm tỉ trọng rất lớn trong cấu trúc chi phí sản xuất.
Giá nông sản tiếp tục duy trì ở mức cao
Nối dài đà tăng từ cuối năm ngoái, chỉ vừa bước vào năm 2022 nhưng giá nông sản đã ở mức cao nhất trong vài tháng qua. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không khỏi lo lắng khi chi phí nguyên liệu đầu vào lại một lần nữa tăng cao, tình trạng mà toàn ngành đã phải trải qua trong giai đoạn tăng phi mã của giá nông sản thế giới nửa đầu năm 2021. So với cùng kì năm ngoái, hiện nay giá của các mặt hàng như ngô, đậu tương được giao dịch liên thông qua MXV đều cao hơn khoảng 30%.
Nguồn cung đang thắt chặt hơn nữa
Trong báo cáo WASDE tối qua, mặc dù các số liệu về nguồn cung không quá tiêu cực như dự đoán của thị trường nhưng cũng cho thấy triển vọng thắt chặt hơn so tháng trước.
Sau giai đoạn thời tiết xấu vừa qua, sản lượng đậu tương Brazil bị giảm dự báo đi 2.6 triệu tấn và đậu tương Argentina giảm 1.6 triệu tấn. Đây đều là những con số rất đáng thất vọng. Đáng nói hơn, sản lượng 2021/22 đang bị dự báo thấp hơn khá nhiều so với năm ngoái và không thể phá vỡ các kỷ lục như kỳ vọng ban đầu. Tồn kho đậu tương thế giới vì thế cũng bị giảm xuống hơn 4.7 triệu tấn.
Trong khi đó, sản lượng ngô của 2 quốc gia Nam Mỹ cũng bị cắt giảm gần 1 triệu tấn, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ tăng lên, dẫn tới tồn kho ngô thế giới thấp hơn 2.5 triệu tấn so với ước tính trước đó của USDA vào tháng 12.
Triển vọng nguồn cung trong giai đoạn tới
Mặc dù các số liệu đã cho thấy triển vọng mùa vụ các quốc gia Nam Mỹ có thể sẽ lại tiếp tục trải qua một năm khó khăn trước sức ép từ thời tiết nhưng giá nông sản vẫn khá trầm lắng trong phiên hôm qua. Nguyên nhân lý giải cho diễn biến này là xu hướng sản lượng bị cát giảm đã không còn sự bất ngờ đối với thị trường và được phản ánh vào đà tăng từ cuối tháng 10.
Tuy nhiên, so sánh với những ước tính trước đó của các hãng tin khác thì đánh giá của USDA vẫn tương đối lạc quan về mùa vụ Nam Mỹ, bất chấp thời tiết bất lợi trong vòng hơn 1 tháng qua. Điều này không loại trừ khả năng USDA sẽ tiếp tục hạ thấp mức dự báo sản lượng này trong báo cáo WASDE tháng 2 và trở thành động lực tăng giá cho các mặt hàng nông sản, trong trường hợp thời tiết vẫn chưa được cải thiện.
Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, ngành chăn nuôi nội địa vẫn sẽ gặp khó khăn do giá nông sản CBOT vẫn sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất là vào 2 tháng tới, khi lo ngại về nguồn cung được xoa dịu vào giai đoạn thu hoạch cao điểm ở Nam Mỹ.
Theo Báo Nhân dân