Phía dưới các mái nhà sản xuất điện mặt trời này khó có thể trồng trọt, chăn nuôi. 1 dự án tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Cần nhanh chóng báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra các dự án điện mặt trời
Thời điểm giữa tháng 2.2021, trước tình trạng các dự án điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án điện mặt trời phát triển ồ ạt.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo từng khẳng định đã có những tồn tại trong quá trình thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà.
“Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương”, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu.
Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, việc Bộ Công Thương sau gần một năm thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa báo cáo với Thủ tướng là quá chậm trễ và cần phải công bố kết quả thanh tra.
Trao đổi với Lao Động, GS.TS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam – cho biết, sự phát triển ồ ạt, “không bình thường” của các dự án điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua là do có tình trạng những công trình phát điện rất lớn, nhưng “núp bóng” và lợi dụng danh nghĩa điện mặt trời mái nhà.
Đây là những trang trại điện mặt trời rất lớn, chứ không phải điện mặt trời mái nhà được lắp trên mái của các hộ gia đình hay cơ quan công sở.
“Những doanh nghiệp này đã lợi dụng khái niệm còn mập mờ, chưa rõ ý về điện mặt trời mái nhà, để làm những trang trại điện mặt trời rất lớn. Bộ Công Thương đã có Đoàn thanh, kiểm tra về việc này, thì phải nhanh chóng báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ và công bố trước dư luận.
Bộ Công Thương cũng cần có những điều chỉnh và quy định cụ thể thế nào là điện mặt trời mái nhà, những công trình nào xem là điện mặt trời mái nhà và những công trình nào là cơ sở sản xuất điện, tránh tình trạng “núp bóng” hoặc lợi dụng danh nghĩa điện mặt trời mái nhà để trục lợi”, GS Trần Đình Long cho hay.
Sai phạm cần xử lý nghiêm
Thực tế, đã có nhiều địa phương công bố những sai phạm khi kiểm tra các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn.
Cụ thể, cuối tháng 6.2021, theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 431 công trình điện mặt trời lắp trên mái các dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, điện đã được sản xuất, bán nhưng hiện có tới 302 công trình chưa triển khai hoạt động kinh tế trang trại. Trong số này, cũng còn tới 9 công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tương tự, Đắk Lắk hiện có hơn 360 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà nhưng thực tế chỉ thấy sản xuất điện mặt trời.
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2021, có 193 trang trại đã đấu nối với hệ thống điện, số còn lại đã có thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Đắk Lắk. Trong đó, riêng TP.Buôn Ma Thuột có 4 trang trại trong tình trạng “chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất trang trại” chủ yếu tập trung lắp hệ thống pin điện mặt trời.
Còn tại Vĩnh Long, một số dự án điện mặt trời mái nhà theo hình thức trang trại đã “lộ” loạt sai phạm sau quá trình kiểm tra của Sở Công Thương Vĩnh Long.
Ông Phạm Tứ Phương – Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long – cho hay, qua kiểm tra hơn 40 dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, sở phát hiện một số sai phạm trong đầu tư, công tác nghiệm thu, đấu nối các dự án điện mặt trời mái nhà.
Sai phạm phổ biến tại các dự án điện mặt trời mái nhà trang trại tại Vĩnh Long, theo ông, là lắp trên mái công trình nông nghiệp, dưới hình thức trang trại nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí về trang trại. Có dự án chênh lệch số liệu công suất pin lắp đặt giữa biên bản, hồ sơ nghiệm thu với hợp đồng mua bán điện đã ký với điện lực.
Theo luật sư Anh Phiệt – Văn phòng Luật sư Phiệt và cộng sự – Đoàn LS TP.Đà Nẵng, những dự án sản xuất điện tái tạo từ năng lượng mặt trời “núp bóng” trang trại như vậy có nhiều dấu hiệu sai phạm pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý nghiêm để tránh việc lợi dụng chính sách nhà nước, vi phạm pháp luật, xâm hại tài nguyên đất đai.
Đồng thời, luật sư cho rằng, cần làm rõ các dự án đó có đúng với quy hoạch tổng thể không? Có nằm trong quy hoạch sản xuất điện của địa phương? Về đất đai, nếu là đất nông trại thì phải thực hiện đúng dự án ban đầu.
Trường hợp lập dự án trang trại, nhưng không trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ sản xuất điện mặt trời là trái luật. Cần xem xét các loại đất đó đã làm đủ các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã nộp thuế đủ cho nhà nước hay không?… Muốn phát hiện những sai phạm đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương phải vào cuộc.
Theo Báo Lao động