Sẽ có nghị định mới về khu công nghệ cao

Ở thời điểm hiện tại, Quy chế khu công nghệ cao được ban hành theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản khác có liên quan đã lỗi thời, có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước. Chính vị vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được giao chủ trì xây dựng dự thảo nghị định mới về khu công nghệ cao thay thế cho một số văn bản không còn phù hợp. Bộ KH&CN đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định này.

Các văn bản pháp quy liên quan góp phần thúc đẩy sự phát triển các khu công nghệ cao

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (năm 1998) và Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (năm 2002). Đồng thời, từng bước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các khu công nghệ cao như: Quy chế Khu công nghệ cao (Nghị định của Chính phủ, 2003), Một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Khu công nghệ cao (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2004)… cùng nhiều nội dung ưu đãi có liên quan được quy định trong các luật chuyên ngành khác nhau. Từ sau khi Luật Công nghệ cao ra đời (năm 2008) đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục quyết định thành lập thêm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (năm 2010) và Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (năm 2016).

Theo cơ quan soạn thảo nghị định, các văn bản pháp quy liên quan được ban hành trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghệ cao. Điều này được thể hiện ở một số điểm:

 

Một góc của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Thứ nhất, được quan tâm tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư.

Thứ hai, tăng cường thu hút đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, 3 khu công nghệ cao quốc gia đã thu hút được 286 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó khoảng 1/4 là các dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13 tỷ USD. Các khu công nghệ cao quốc gia đã thu hút thành công nhiều tập đoàn lớn, uy tín trên thế giới và trong nước tới đầu tư như: Intel, Samsung, Nidec, Hanwha, Jabil, Datalogics, Sonion, Viettel, FPT, VNPT, Vingroup…

Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khu công nghệ cao ngày càng phát triển. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt gần 20 tỷ USD; năm 2020 mặc dù có ảnh hưởng COVID-19, nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt được hơn 21 tỷ USD.

Thứ tư, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Các khu công nghệ cao luôn khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu tăng cường triển khai các hoạt động R&D, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm R&D. Mô hình đầu tư cho R&D, thúc đẩy nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm R&D chủ yếu trông cậy vào nguồn ngân sách nhà nước đang dần thay thế bởi mô hình mới tại khu công nghệ cao, đặc biệt là Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, trong đó kinh phí đầu tư cho R&D và thương mại hóa sản phẩm mới chủ yếu từ doanh nghiệp bỏ ra. Hiện nay, số người lao động và học tập trong 3 khu công nghệ cao quốc gia là trên 70 nghìn người, trong đó chủ yếu là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định mới về khu công nghệ cao thì sự ra đời của các khu công nghệ cao trong cả nước đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng một số khu công nghệ cao nhằm tạo môi trường thuận lợi để tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao từ nước ngoài, đặc biệt từ các tập đoàn đa quốc gia; huy động các nguồn lực về KH&CN trên cơ sở thu hút, tập hợp lực lượng trí thức KH&CN trong cả nước, trí thức Việt kiều và các nhà khoa học nước ngoài trong nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ vào sản xuất; kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy dưới luật liên quan đến khu công nghệ cao cũng đã bộc lộ những bất cập, cụ thể là: 1) Về cơ bản, rất nhiều quy định tại Nghị định số 99/2003/NĐ-CP bị phủ hoặc bị hết hiệu lực do các quy định mới của pháp luật chuyên ngành như: quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế…; 2) Về mô hình tổ chức và hoạt động, có sự bất cân xứng về vị trí pháp lý và quy chế hoạt động giữa các khu công nghệ cao nảy sinh từ thực tiễn thành lập (ở các thời điểm khác nhau), xây dựng và quản lý vận hành khu công nghệ cao với các mô hình không có sự thống nhất chung; 3) Về thẩm quyền của cơ quan quản lý khu công nghệ cao, hiện nay, các ban quản lý khu công nghệ cao chưa có đầy đủ thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhằm đẩy nhanh sự phát triển khu công nghệ cao, đặc biệt khi phải chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn khu công nghệ cao (bao gồm: quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư, lao động, an ninh trật tự …);  4) Về thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, hoạt động thu hút đầu tư gặp những hạn chế nhất định do thiếu tiêu chí thu hút đầy đủ đối với từng loại hình dự án được phép đầu tư vào khu công nghệ cao; 5) Các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao từ trước đây không còn phù hợp, đặc biệt sau khi một số luật chuyên ngành ra đời và/hoặc được sửa đổi, bổ sung, cập nhật thì các ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; 6) Thiếu quy định cụ thể về điều kiện, trình tự và thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghệ cao.

Những nội dung cơ bản trong dự thảo nghị định mới về khu công nghệ cao

Tại Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao ngày 6/7/2021, Bộ KH&CN cho biết, dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết một số nội dung của Luật Công nghệ cao, kế thừa một số quy định còn phù hợp của Nghị định số 99/2003/NĐ-CP đã được thực hiện thời gian qua cũng như loại bỏ các quy định không còn phù hợp với các quy định mới của pháp luật. Đồng thời, dự thảo Nghị định đã bổ sung, cập nhật các quy định liên quan đến khu công nghệ cao trên cơ sở các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư năm 2020; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Luật Đất đai năm 2013; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013…

Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương, 33 điều, cụ thể như sau: Chương I – Những quy định chung (3 điều, từ Điều 1 đến Điều 3); Chương II – Phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu công nghệ cao; thành lập, mở rộng khu công nghệ cao (6 điều, từ Điều 4 đến Điều 9); Chương III – Quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghệ cao (6 điều, từ Điều 10 đến Điều 15); Chương IV – Các loại hình hoạt động trong khu công nghệ cao (7 điều, từ Điều 16 đến Điều 22); Chương V – Các chính sách đối với khu công nghệ cao (4 điều, từ Điều 23 đến Điều 26); Chương VI – Quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao (4 điều, từ Điều 27 đến Điều 30);  Chương VII – Điều khoản thi hành (3 điều, từ Điều 31 đến Điều 33).

 Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo